Hoàn thiện đầy đủ điều kiện pháp lý cho các dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 18/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tỷ lệ tán thành rất cao: 92,75%. Như vậy, Việt Nam đã có Luật chung, tạo hành lang pháp lý cao nhất để thu hút đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng thiết yếu theo phương thức PPP. Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung mới của Luật PPP và cơ hội cho các nhà đầu tư sau khi Luật được thông qua.
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương. Ảnh: Lê Tiên
Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông, Luật PPP mới được ban hành sẽ làm tăng tính hấp dẫn của các dự án PPP ra sao?

Trước đây quy định về PPP tại nước ta được các nhà đầu tư đánh giá là có tính ổn định chưa cao. Hợp đồng PPP thường kéo dài 20 - 30 năm, do vậy nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính bền vững của các quy định pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Trong khi đó, quy định chi tiết cho hoạt động PPP ở giai đoạn trước chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật khác nhau như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công...

Sau khi Luật ra đời, các quy định có hiệu lực cao hơn, ổn định hơn giúp tránh được các rủi ro cho nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi chính sách. Ngoài ra, Luật PPP được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định hiện hành của Nghị định 63/2018/NĐ-CP và hoàn thiện, bổ sung một số nội dung mới để phù hợp hơn với thực tế triển khai dự án, đặc biệt là việc hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công.

Ông có thể chia sẻ một số nội dung mới của Luật PPP?

Về lĩnh vực đầu tư, Luật PPP quy định 05 lĩnh vực thiết yếu để đầu tư theo phương thức PPP bao gồm: (1) Giao thông; (2) Lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); (3) Thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; (4) Y tế, giáo dục - đào tạo; (5) Hạ tầng công nghệ thông tin.

Về quy mô đầu tư, Luật PPP quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu để đầu tư theo phương thức PPP là 200 tỷ đồng. Đối với một số dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giá trị này là 100 tỷ đồng.

Về phân loại dự án PPP và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Luật PPP quy định việc phân loại dự án gắn với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, gồm Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là cấp quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Về Hội đồng thẩm định dự án PPP, Luật PPP quy định Hội đồng thẩm định dự án PPP bao gồm: (1) Hội đồng thẩm định nhà nước; (2) Hội đồng thẩm định liên ngành; (3) Hội đồng thẩm định cấp cơ sở.

Về vốn nhà nước trong dự án PPP: Luật PPP quy định cụ thể mục đích sử dụng, phương thức quản lý vốn nhà nước trong dự án PPP. Trong đó, với phần vốn nhà nước sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng và giải phóng mặt bằng, hạn mức tham gia trong dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư và được quản lý, sử dụng theo 02 phương thức: (1) Tách thành tiểu dự án trong dự án PPP; (2) Bố trí vào hạng mục cụ thể theo tỷ lệ và giá trị, tiến độ và điều kiện quy định tại hợp đồng.

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, Luật quy định cơ chế chia sẻ được áp dụng cho tất cả các dự án PPP với tỷ lệ cố định 50%-50% cho hai bên và trên cơ sở kiểm soát định kì doanh thu hàng năm. Việc chia sẻ phần giảm doanh thu khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính chỉ được áp dụng khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công hoặc thời hạn hợp đồng và phải được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu.

Về dự án BT, Luật PPP thể chế chủ trương dừng thực hiện các dự án BT trong giai đoạn tới. Theo đó, quy định chuyển tiếp cho các dự án đang triển khai được quy định cụ thể tại Luật. Đặc biệt, kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2020, các dự án BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư phải dừng thực hiện.

Theo nhận định của ông, sau cuộc cải cách về pháp lý này, đâu là cơ hội cho các nhà đầu tư?

Luật PPP sau khi được ban hành được kỳ vọng sẽ tạo môi trường đầu tư tốt hơn cho các nhà đầu tư quan tâm tới các dự án cơ sở hạ tầng lớn cũng như tạo nhiều cơ hội cho họ. Thực tế, những năm gần đây, việc Quốc hội, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về PPP từ giai đoạn sửa đổi, bổ sung các nghị định, sớm ban hành thông tư đến hiện nay là việc xây dựng đạo luật riêng về PPP cho thấy quyết tâm chính trị rõ ràng trong việc thúc đẩy các dự án PPP. Luật PPP vừa thừa kế những quy định tốt đang triển khai và bổ sung các nội dung quan trọng góp phần hoàn thiện đầy đủ điều kiện pháp lý cho các dự án PPP trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lên kế hoạch như thế nào cho việc tổ chức triển khai tiếp theo sau khi Luật được ban hành?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật PPP về nội dung chung, nội dung về lựa chọn nhà đầu tư và một số nội dung quản lý tài chính dự án PPP. Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để tập trung hoàn thiện các Nghị định, kịp thời ban hành tại thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành vào 01/01/2021.

Chuyên đề