Hỗ trợ doanh nghiệp thời FTA

(BĐT) - Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới, với việc hoàn tất đàm phán, ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới...
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Một yêu cầu bức thiết đang được đặt ra là tìm kiếm các chính sách hỗ trợ hiệu quả, phù hợp với các cam kết nhằm giúp các ngành kinh tế trong nước tận dụng cơ hội thị trường, cạnh tranh được với các đối tác mạnh từ bên ngoài, bảo đảm những lợi ích cốt lõi của Việt Nam trong hội nhập.

Không gian chính sách bị thu hẹp

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, không gian chính sách là những gì còn lại mà chúng ta có thể sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) phát triển kinh doanh. Với những hiệp định chúng ta đã ký như WTO, TPP, EVFTA…, không gian này bị hạn chế đi rất nhiều. Bà Trang cũng khẳng định, nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi không gian chính sách bị thu hẹp.

Chế biến và xuất khẩu gỗ, một trong những ngành kinh tế nội địa ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong những năm qua cũng không là ngoại lệ. Theo các chuyên gia, ngành gỗ sẽ phải đối mặt với những rủi ro như tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, thiếu hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng hiệu quả hay vấn đề sử dụng lao động.

Dưới góc nhìn từ phía DN, ông Nguyễn Tôn Quyền thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nếu nói cản trở lớn nhất đối với ngành gỗ hiện nay là rủi ro về chính sách thì chưa thuyết phục. Theo ông Quyền, ngành gỗ rất cần nguồn nguyên liệu mang tính bền vững và phát triển cao. Chính sách về sản phẩm, chính sách thị trường gỗ nội địa đã bỏ quên nhiều năm qua, chính sách khuyến khích người tiêu dùng nói không với gỗ bất hợp pháp là những điều Nhà nước cần hỗ trợ ngành chế biến và xuất khẩu gỗ.

Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, các cam kết ngày càng cao hơn, cho nên không gian chính sách đang có xu thế hẹp lại, tạo ra rủi ro cho nhiều DN trong nước. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dù khó khăn nhưng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn có thể thực hiện được. Chúng ta không thể bảo vệ các ngành công nghiệp bằng thuế nhập khẩu hay các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu, biện pháp đầu tư ưu tiên. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bảo hộ bằng những biện pháp nhất định như chống bán phá giá, chống trợ cấp và những biện pháp được phép khác. 

Cần một môi trường thuận lợi

Quan trọng bậc nhất đối với Chính phủ về không gian chính sách là phải tạo ra một môi trường kinh doanh tốt đẹp nhất cho DN hoạt động. Bảo đảm cho DN về những quyền đã được pháp luật quy định như tài sản, cạnh tranh…
Trong khi nhiều chuyên gia, DN lo lắng, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam lại khẳng định, với ngành bán lẻ, không gian chính sách còn rất rộng. Bà Loan cho biết, theo thống kê của Hiệp hội, 77% DN đánh giá các chính sách ưu đãi không có hiệu quả thực tế. Đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đề xuất Chính phủ hỗ trợ về thuế, qua đó giúp DN bán lẻ bù đắp các chi phí; tạo động lực để các tổ chức tín dụng cho các nhà bán lẻ nhỏ và vừa vay vốn, phát triển kinh doanh.

“Sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua các chính sách cần thiết cho ngành bán lẻ, phù hợp với các cam kết quốc tế sẽ là động lực quan trọng giúp ngành bán lẻ tận dụng được các cơ hội thị trường đầy triển vọng trong bối cảnh hội nhập, qua đó mang lại lợi ích cho chính ngành bán lẻ cũng như các ngành sản xuất tiêu thụ nội địa của Việt Nam”, bà Đinh Thị Mỹ Loan nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá, không gian chính sách của các cơ quan quản lý ngày càng hẹp do chúng ta đã hội nhập sâu và rộng. Do đó, các DN không nên hy vọng và chờ đợi vào sự bảo trợ từ chính sách. “DN cần thay đổi tư duy, tự thân vận động, tự xây dựng năng lực của chính mình. Dù rằng, việc hỗ trợ chính sách từ Chính phủ là cần thiết, nhưng chắc chắn sẽ không còn hình thức hỗ trợ bằng đầu tư, tài chính vì như thế sẽ vi phạm vào những cam kết của Việt Nam với quốc tế” - vị này cho biết.

Vẫn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi chúng ta nói đến việc mong muốn được Chính phủ quan tâm để có chính sách tốt hơn, không phải chỉ xin đất, xin tiền, xin tài trợ. Vấn đề chính là Chính phủ tạo lập ra một môi trường hoạt động thuận lợi nhất cho DN. Rất cần một môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng, đặc biệt giữa các DN khác nhau trong tiếp cận các nguồn lực. Việc phân bổ nguồn lực phải dựa nhiều hơn vào hiệu quả và thị trường, chứ không phải bằng ý chí của Nhà nước.

“Quan trọng bậc nhất đối với Chính phủ về không gian chính sách là phải tạo ra một môi trường kinh doanh tốt đẹp nhất cho DN hoạt động. Bảo đảm cho DN về những quyền đã được pháp luật quy định như tài sản, cạnh tranh…”, bà Lan nói.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư