Hỗ trợ doanh nghiệp: Cấp thiết biến giải pháp thành hiện thực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh cầu thị trường nước ngoài chưa cải thiện, sức mua nội địa vẫn yếu, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) vẫn vô cùng khó khăn. Ở thời điểm này, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị cần tăng tốc thực hiện các giải pháp đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, thách thức để phục hồi, phát triển.
Trong 7 tháng năm 2023, cả nước có 113.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Tường Lâm
Trong 7 tháng năm 2023, cả nước có 113.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh: Tường Lâm

Doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng

Báo cáo tài chính quý II/2023 Công ty CP Gamex Sài Gòn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho thấy, tình hình thị trường khó khăn ngày càng thấm sâu vào “sức khỏe” của DN. Đơn cử, trong quý II/2023, doanh thu giảm mạnh 99,92% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng nhân viên của Công ty tại ngày 30/6/2023 là 41 người, giảm 1.941 người sau 6 tháng.

Giải trình về nguyên nhân thua lỗ, Garmex Sài Gòn cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng biến động địa chính trị thế giới khiến cho tăng trưởng toàn cầu suy giảm, DN thiếu đơn hàng, kinh doanh tiếp tục bị lỗ.

Câu chuyện của Gamex Sài Gòn phản ánh thực trạng chung của nhiều DN trong 7 tháng đầu năm 2023. Trong một chia sẻ gần đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, DN ngành xây dựng đang “thoi thóp”, ngay cả những nhà thầu lớn cũng hoạt động

cầm chừng…

Làm rõ hơn “bức tranh” về hoạt động DN 7 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn, thách thức, số DN rút lui khỏi thị trường có xu hướng tăng, số DN thành lập mới có xu hướng chững lại.

Cụ thể, trong 7 tháng, cả nước có 113.299 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022, phần lớn DN lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Trong số này, 66.817 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2022; 36.070 DN chờ làm thủ tục giải thể, tăng 27,9% và 10.412 DN giải thể.

Trong khi đó, số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 131.886 DN, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, DN thành lập mới là 89.611 DN với số vốn đăng ký đạt 834.320 tỷ đồng, tăng 0,2% về số DN nhưng giảm 17,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, 8 trong số 17 ngành có số lượng DN thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, kinh doanh bất động sản giảm 56,2%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 23,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 20,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,3%...

Trong 7 tháng đầu năm 2023, có 42.275 DN quay trở lại thị trường, giảm 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 12 trong số 17 lĩnh vực có số DN quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2022 như: dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động dịch vụ khác; nghệ thuật, vui chơi và giải trí…

Tăng tốc thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trong bối cảnh thị trường thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đây là lúc cần tăng tốc thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN đã được Chính phủ ban hành.

“Ở trong nước, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều động thái quyết liệt nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn như tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng; chỉ đạo hạ lãi suất… và đây là lúc tăng tốc đưa các chính sách này vào cuộc sống”, bà Thảo nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tăng tốc thực hiện các giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ DN, bà Thảo cho rằng, cần tăng tốc thực hiện các giải pháp cải thiện về môi trường kinh doanh như: cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết gây khó khăn cho sự phục hồi của DN.

Theo bà Thảo, một phần khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà các DN gặp phải thời gian qua bắt nguồn từ các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết. Thực tế, bất cập này đã được nhận diện nhưng việc giải quyết lại chậm trễ, ảnh hưởng đến niềm tin của DN. Đơn cử, những bất cập trong một số tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy đã được nhận diện từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến DN tốn kém về chi phí, thời gian, thậm chí bỏ lỡ cơ hội kinh doanh.

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng nhìn nhận, cải cách môi trường kinh doanh chậm tiến triển, nhiều lĩnh vực không có chuyển biến, thậm chí một số lĩnh vực rào cản nặng nề hơn như: phòng cháy, chữa cháy, đăng kiểm, xăng dầu... Vì vậy, đại diện cơ quan này cũng cho rằng, với bối cảnh khó khăn bao trùm hoạt động sản xuất, kinh doanh thì việc thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là rất cấp thiết.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, không chỉ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ, mà còn cần hạn chế tối đa ban hành những quy định mới làm phát sinh thêm chi phí cho DN. Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải là hoạt động thường xuyên, liên tục với mục tiêu cao nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho DN tồn tại và lớn mạnh…

Chuyên đề