Ảnh Internet |
Hỗ trợ chưa hiệu quả
DNNVV đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho DN với các nhóm công việc chủ yếu như: duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, tạo khung khổ pháp lý với quy trình, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho DN…
Tuy nhiên, giữa chính sách và thực thi, giữa chủ trương của Chính phủ và kỳ vọng của DN vẫn còn khoảng cách. Chất lượng kinh doanh của DNNVV chưa được cải thiện, quy mô doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mặc dù một số chính sách hỗ trợ DNNVV đã được quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV (NĐ56), nhưng những quy định này mới chỉ mang tính khuyến khích chung, chưa cụ thể, không quy định nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của các luật trong các ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, hiệu lực thực thi của NĐ56 chưa cao, dẫn đến việc hỗ trợ DNNVV chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp DNNVV hiện vẫn còn chậm. Nội dung nhiều chương trình trợ giúp chỉ mang tính chất phát triển ngành, còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa gắn kết với nhau khiến cho các DNNVV chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi. Cơ chế báo cáo, công khai minh bạch thông tin, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ cũng chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Đặc biệt, chưa có cơ chế thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân đối với việc xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển DNNVV.
Với những hạn chế này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những chính sách và chương trình hỗ trợ của Nhà nước đối với DNNVV chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ phát triển của cộng đồng DN. Trong khi đó, các DNNVV rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần tích cực vào việc tạo ra việc làm và thu nhập, đóng góp vào quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng.
Dành nguồn lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Theo đại diện cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, để khắc phục những hạn chế nêu trên, Dự thảo Luật đã thu hẹp đối tượng hỗ trợ nhằm tập trung nguồn lực ưu tiên cho DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; DNNVV trong lĩnh vực sản xuất chế biến; DN được chuyển đổi từ hộ kinh doanh, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật thiết kế 2 phần nội dung quan trọng, nội dung hỗ trợ cơ bản và chương trình hỗ trợ trọng tâm. Trong nội dung hỗ trợ cơ bản, Nhà nước không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV, mà thông qua cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, DN trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV. Đối với chương trình hỗ trợ trọng tâm, cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật cho biết, sẽ có 3 chương trình hỗ trợ, gồm: chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh; chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành. Ngoài ra, các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện ngân sách trong từng thời kỳ.