Chính phủ Việt Nam mong muốn các DN FDI tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Ảnh: Lê Tiên |
Tại Diễn đàn VBF 2018, các tổ chức quốc tế và cộng đồng DN nhận định, thương mại toàn cầu đang có chuyển dịch mạnh mẽ, kinh tế thế giới năm 2018 đã không thực sự thuận lợi như kỳ vọng trước đó và nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến năm 2019. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Sức ép lạm phát còn lớn; chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài còn thấp...
Để hóa giải những khó khăn, thách thức này, các hiệp hội DN, các nhóm công tác của Liên minh VBF đã đưa ra khoảng 70 nhóm vấn đề dành cho các bộ, ngành như: Thúc đẩy hơn nữa đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hoàn thiện khung pháp lý về PPP, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng; đẩy nhanh quá trình cải cách DN nhà nước; hoàn thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực trong kỷ nguyên công nghệ số; tăng cường khả năng cạnh tranh để tận dụng các hiệp định thương mại tự do; một số kiến nghị trong lĩnh vực thuế và hải quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN... Đại diện các bộ, ngành đã có những giải đáp và tiếp thu cụ thể đối với từng vấn đề tại Diễn đàn.
Lắng nghe và đánh giá cao những ý kiến đóng góp cũng như đề xuất tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tất cả đều rất thiết thực, thể hiện tâm huyết, trăn trở và khát vọng đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội và hợp tác thành công trong thời gian tới, cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên là Chính phủ, DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trước hết là nỗ lực của chính các DN Việt Nam để nhận diện đúng và phát huy lợi thế so sánh.
Chính phủ Việt Nam mong muốn các tập đoàn quốc tế cũng như các DN FDI cởi mở hơn trong chính sách cung ứng của mình; tạo cơ hội nhiều hơn và hỗ trợ cho các DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho Việt Nam; đặt niềm tin nhiều hơn vào năng lực của các DN Việt Nam.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng cam kết sẽ thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành cùng DN. Trong đó, ưu tiên tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm là: ổn định chính trị xã hội và nền tảng kinh tế vĩ mô; tiếp tục tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực, nhất là sự nhiệt huyết, năng động của người đứng đầu Chính phủ, quan tâm đến rất nhiều khía cạnh của cộng đồng DN. Tuy nhiên, sự nỗ lực đến từ một phía là chưa đủ. Cần có sự chủ động, tham gia tích cực của chính cộng đồng DN trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư, kinh doanh.
Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn Diễn đàn nâng tầm hoạt động cao hơn nữa, phát huy sự lan tỏa để cộng đồng DN, nhà đầu tư đồng hành cùng Chính phủ trong việc tham mưu, hoạch định những chính sách quan trọng của quốc gia, tham gia sâu hơn vào việc phản biện, xây dựng và thực thi pháp luật.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Qua VBF hôm nay cũng như qua nhiều diễn đàn DN khác, cộng đồng các DN vẫn còn băn khoăn về môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp tục có những kiến nghị với Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn các chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.
Cần biến chương trình hành động trong các nghị quyết thành việc làm hàng ngày trong các cơ quan, tổ chức chính quyền địa phương nhằm khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Bởi thực tế, xét về mặt số lượng, hiện phần lớn các bộ, ngành đã hoàn thành cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh (ĐKKD) cũng như thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Song chất lượng cắt giảm cần được phân tích, đánh giá kỹ lưỡng. Thời gian qua, có những ĐKKD, thủ tục kiểm tra chuyên ngành có ảnh hưởng không lớn đối với cộng đồng DN thì cắt giảm tương đối dễ, nhưng những ĐKKD, thủ tục có sự tác động lớn cần cắt giảm thực chất. Hơn nữa, việc cắt giảm trên giấy tờ là một chuyện, còn cắt giảm trên thực tế là vấn đề quan trọng hơn rất nhiều.
Ông Michael Kelly, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam
Với vai trò là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, các DN Hoa Kỳ rất quan tâm đến sự thành công tiếp nối tại thị trường này. Chúng tôi tin rằng, môi trường kinh doanh Việt Nam có thể được cải thiện hơn nữa thông qua các động thái tăng năng suất và giảm chi phí cũng như rủi ro kinh doanh. Theo đó, các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát, khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được.
Việc giảm chi phí và rủi ro kinh doanh sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các DN Việt Nam, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh - khởi nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.