“Hẻo” như xây lắp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công trong các lĩnh vực hạ tầng mang lại nguồn công việc dồi dào cho các doanh nghiệp xây dựng. Tuy nhiên, đơn giá, định mức trong xây dựng chưa hợp lý, cùng với những rủi ro như trượt giá, thiếu mặt bằng thi công… đang ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Lợi nhuận các doanh nghiệp xây lắp thu về từ mảng xây dựng không được bao nhiêu dù nắm trong tay nhiều hợp đồng có giá trị lớn. Ảnh: Lê Tiên
Lợi nhuận các doanh nghiệp xây lắp thu về từ mảng xây dựng không được bao nhiêu dù nắm trong tay nhiều hợp đồng có giá trị lớn. Ảnh: Lê Tiên

Kết thúc năm 2023, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ghi nhận doanh thu 12.704 tỷ đồng, mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây và tăng trưởng 50% so với năm 2022. Trong đó, đóng góp tới 65% doanh thu (đạt 8.273 tỷ đồng, tăng trưởng 35,6%) đến từ mảng xây lắp nhờ triển khai hàng loạt công trình giao thông lớn như cao tốc Vũng Áng - Bùng, Vân Phong - Nha Trang, Bãi Vọt - Hàm Nghi… Tuy nhiên, sau khi trừ đi chi phí giá vốn, lợi nhuận gộp của hoạt động này lại âm tới 315 tỷ đồng. Thực tế, khoản lãi ròng 336,4 tỷ đồng trong năm 2023 của Vinaconex không đến từ hoạt động xây lắp, mà chủ yếu đến từ mảng bất động sản (doanh thu 2.314 tỷ đồng).

Với Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1), lợi nhuận trước thuế của năm 2023 là hơn 328 tỷ đồng, nhưng riêng hoạt động tài chính (thoái vốn doanh nghiệp) đã mang về hơn 600 tỷ đồng. Như vậy, nhiều khả năng hoạt động kinh doanh chính cũng... bị lỗ. Đóng góp 69% trong tổng số 5.620 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (tương đương 3.895 tỷ đồng) của CC1 đến từ mảng xây dựng. Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp (không tính chi phí lãi vay liên quan) của mảng xây dựng của CC1 chỉ ở mức 5,1%.

Lĩnh vực xây dựng vốn được ví von là “ăn no vác nặng”, có biên lợi nhuận rất mỏng, “ráo mồ hôi là hết tiền”. Tình hình kinh doanh của những doanh nghiệp như Vinaconex, CC1 phần nào cho thấy khó khăn của ngành xây dựng dù đang được hưởng lợi nhờ các dự án lớn. Thậm chí, Công ty CP FECON đã báo lỗ trước thuế 17 tỷ đồng trong năm 2023.

Theo khảo sát của phóng viên, biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng năm 2023 của nhiều nhà thầu đều dưới 10%, trừ ngoại lệ là Công ty CP Lizen đạt 15%. Chưa kể chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp liên quan khiến hiệu quả kinh doanh của mảng xây dựng thấp hơn nữa. Để bù đắp cho mảng xây dựng, các doanh nghiệp trong ngành phải tìm đến các mảng có tỷ suất lợi nhuận cao hơn và đều đặn hơn như thu phí BOT, sản xuất điện, kinh doanh du lịch…

(Nguồn: Báo cáo tài chính năm 2023 của doanh nghiệp). Đơn vị tính: tỷ đồng

(Nguồn: Báo cáo tài chính năm 2023 của doanh nghiệp). Đơn vị tính: tỷ đồng

Đơn cử Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương, doanh thu năm 2023 tăng trưởng 4% so với năm trước, đạt 3.450 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 44,5% xuống còn 323,9 tỷ đồng. Đạt Phương ghi nhận doanh thu đến từ hoạt động thi công xây lắp có xu hướng gia tăng nhưng biên lợi nhuận lại thấp hơn mảng kinh doanh điện và bất động sản. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng năm 2023 đạt 8,1%, thấp hơn nhiều so với mức 70% của kinh doanh điện và 53% của bất động sản.

Đối với Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, biên lợi nhuận gộp mảng xây lắp năm 2023 chỉ đạt 8,2%, còn của mảng thu phí BOT là 62%.

Hệ thống định mức, đơn giá lạc hậu so với thực tế đang khiến các doanh nghiệp xây dựng canh cánh nỗi lo thua lỗ, dù nắm trong tay nhiều hợp đồng có giá trị lớn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Trần Bạch Dương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng 99 (thuộc Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, hiệu quả kinh tế từ các dự án xây lắp không cao do định mức, đơn giá trong xây dựng chưa hợp lý. Bên cạnh đó, nhiều dự án bị kéo dài do vướng giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến chi phí quản lý doanh nghiệp, lãi vay. “Trong bối cảnh xây dựng hạ tầng bùng nổ như hiện nay, giá nhân công, thuê máy móc và vật tư đều tăng mạnh. Như tại các dự án cao tốc phía Nam mà Công ty đang thi công, giá cát phê duyệt là 230.000 đồng/m3, nhưng thực tế đang phải mua với giá 300.000 đồng/m3”, ông Dương cho biết.

Ông Bùi Tuấn Ngọc, Giám đốc Công ty CP Công trình 207 cho biết, doanh nghiệp này đang phải trả cho nhân công chạy máy mức lương khoảng 15 - 17 triệu/tháng, trong khi đó đơn giá nhân công chạy máy chỉ hơn 6 triệu/tháng. Định mức xây dựng cơ bản thấp, định mức nhân công, ca máy đều thấp hơn so với thực tế.

Một chuyên gia về đầu tư cho biết, nhìn vào thực tế giải ngân đầu tư công vài năm trở lại đây sẽ thấy nguồn lực nhà nước đầu tư vào các công trình giao thông, công trình trọng điểm là rất lớn, nhưng đơn giá, định mức thấp và khó khăn về vật liệu đầu vào khiến lợi nhuận mà các doanh nghiệp xây lắp thu về không được bao nhiêu, thậm chí bị lỗ vốn. Nếu thực tế này không sớm thay đổi thì các dự án hạ tầng “khủng” cũng không còn là “miếng bánh” hấp dẫn đối với nhà thầu.

Chuyên đề