Trước giao dịch, tổng công ty nắm giữ 1,5 triệu cổ phiếu, tương đương 51,2% vốn Thủy Tạ. Nếu giao dịch thành công Hapro giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 30% vốn. Ông Vũ Thanh Sơn, Ủy viên HĐQT Hapro là Chủ tịch HĐQT tại Thủy Tạ.
Thủy Tạ hiện sở hữu nhà hàng Thủy Ta, nhiều nhà hàng bên bờ hồ Hoàn Kiếm và thương hiệu kem cùng tên. Cổ phiếu TTJ lên sàn từ tháng 6/2017 với thanh khoản rất kém, nhưng thị giá đạt 80.000 đồng/cp, gấp 4 lần từ đầu năm 2019.
Biến động giá diễn ra khi có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông Thủy Tạ. Vào tháng 3, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương mua cổ phần để nắm giữ 11% vốn và cổ đông cá nhân Lã Xuân Hòa mua 10%. Đến tháng 10, một cổ đông lớn khác xuất hiện là Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Đức Khang với tỷ lệ sở hữu 23%.
Song song đó, Hapro cũng đăng ký bán 4,6 triệu cổ phiếu CTCP Thực phẩm Hà Nội (UPCoM: HAF) từ ngày 31/12 đến 22/1/2020. Trước giao dịch, tổng công ty nắm giữ 7,5 triệu cổ phiếu, tương đương 51,6% vốn. Nếu giao dịch thành công, Hapro còn sở hữu 20% vốn.
Thực phẩm Hà Nội hoạt động chính trong lĩnh vực bán lẻ với chuỗi cửa hàng Hapro Food, nhà hàng khách sạn và triển khai một số dự án bất động sản. Trên thị trường, cổ phiếu HAF đang giao dịch quanh vùng giá 20.000 đồng/cp.
Cơ cấu cổ đông của Thực phẩm Hà Nội ngoài Hapro còn có Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji sở hữu 20% vốn và Chứng khoán Phố Wall có gần 19% cổ phần trong công ty.
Gần đây, Hapro đang đẩy mạnh thoái vốn các đơn vị thành viên. Tổng công ty trước đó còn thoái hơn 53% vốn tại CTCP Dịch vụ Thương mại Tràng Thi, bán 35% trong CTCP Siêu thị VHSC - đơn vị vận hành hệ thống Seika Mart hay cũng lên kế hoạch bán 32% vốn cổ phần tại Công ty Chợ Bưởi.