Cha đẻ thương hiệu IZZI vẫn chìm trong khó khăn. Ảnh: HNM |
"Cha đẻ" thương hiệu IZZI phải nhận quyết định này do những vi phạm về quy định về công bố thông tin, đặc biệt là chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2018 và bán niên 2019 dù đã quá hạn từ lâu. Lần gần nhất Hanoimilk công bố báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán đã đưa ra hàng loạt ý kiến loại trừ về tính hiện hữu, đầy đủ và có thể thu hồi của hơn một nửa tài sản công ty.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hanoimilk, tự giới thiệu là một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành công nghiệp chế biến sữa, chỉ đạt doanh thu hơn 120 tỷ đồng với lợi nhuận vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối quý III là hơn 23 tỷ, so với quy mô tổng tài sản hơn 515 tỷ đồng.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Hanoimilk mỗi năm mang về trên 300 tỷ đồng, nhưng 5 năm gần nhất, quy mô doanh thu đã giảm chỉ còn hơn một nửa. Dù đã cắt giảm hàng loạt các khoản chi phí, song lợi nhuận cũng chỉ loanh quanh mốc vài tỷ đồng mỗi năm. So với những doanh nghiệp sữa top đầu thị trường như Vinamilk, Dutch Lady, hay TH, con số này chưa bằng phần lẻ. Kết quả này cũng thấp hơn đáng kể so với nhóm thứ hai trên thị trường, như Sữa Mộc Châu - doanh thu hai năm gần nhất trên 2.400 tỷ đồng, hay Sữa Quốc tế (IDP) với doanh thu trên 1.300 tỷ.
Lần gần nhất Hanoimilk công bố báo cáo kiểm toán là quý II/2018, nhưng khi đó, hơn một nửa tài sản công ty bị nghi ngờ về tính hiện hữu, khả năng thu hồi. Theo đơn vị kiểm toán, hơn 100 tỷ đồng Hanoimilk trả trước cho người bán và tạm ứng cho nhân viên đã nghỉ việc không thể thu được bằng chứng xác định khả năng thu hồi, hơn 165 tỷ đồng hàng tồn kho cũng bị nghi ngờ về tính xác thực.
Trả lời cổ đông tại phiên họp thường niên giữa năm, ban lãnh đạo Hanoimilk cho biết, lý do chậm nộp báo cáo soát xét là do chưa thống nhất được với đơn vị kiểm toán về việc trích lập các khoản chi phí. Trước đó, khoản lỗ gần 19 tỷ đồng năm 2017 là do Hanoimilk phải trích lập dự phòng theo yêu cầu của đơn vị kiểm toán cũ.