Hàng Việt vươn lên làm chủ công trình điện

(BĐT) - Hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng là thời gian thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (nay là Chỉ thị số 13/CT-TTg) về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Đến nay, hàng hóa trong nước đã hiện diện nhiều hơn tại các công trình, dự án trên khắp cả nước, tiêu biểu là các công trình ngành điện.
Trong các công trình lưới điện truyền tải, hầu hết vật tư, thiết bị như cột thép, dây dẫn... đều do nhà sản xuất trong nước cung cấp. Ảnh: Nguyễn Thế Anh
Trong các công trình lưới điện truyền tải, hầu hết vật tư, thiết bị như cột thép, dây dẫn... đều do nhà sản xuất trong nước cung cấp. Ảnh: Nguyễn Thế Anh

Từng bước gia tăng thị phần 

Tháng 9 năm 2019, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) tổ chức Lễ xuất xưởng máy biến áp (MBA) nguồn 3 pha 467 MVA-500kV đầu tiên, được xem là một bước tiến mới trong lĩnh vực chế tạo thiết bị điện tại Việt Nam. Trước đó, năm 2010, EEMC đã chế tạo thành công MBA 1 pha 500 kV, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á và là một trong 12 quốc gia trên thế giới chế tạo được MBA 500 kV. Theo ông Nguyễn Trọng Tiếu, Chủ tịch HĐQT EECM, thành công này tạo tiền đề rất quan trọng cho DN này và ngành cơ khí chế tạo Việt Nam tiếp tục phát triển, mở rộng các sản phẩm tương tự thay thế cho hàng ngoại nhập, đóng góp cho sự phát triển của ngành điện và nền kinh tế Việt Nam.

Đến nay, Công ty CP Tập đoàn HANAKA - một doanh nghiệp (DN) tư nhân cũng đã sản xuất mô tơ, máy phát, biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện; dây, cáp điện và điện tử khác; thiết bị dây dẫn điện các loại… Đặc biệt, gần đây, Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất MBA truyền tải 220 - 500 kV, công suất đến 450 MVA do HANAKA làm chủ đầu tư đã hoàn thành để cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Một cán bộ Ban Đấu thầu thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia chia sẻ, đi khắp chiều dài đất nước, thật tự hào khi chứng kiến những công trình nguồn điện, lưới điện do chính bàn tay người Việt xây dựng, trong đó nhiều sản phẩm, thiết bị, vật tư do chính DN trong nước sản xuất. “Trong các công trình lưới điện truyền tải, hầu hết vật tư, thiết bị như cột thép, dây dẫn... đều do nhà sản xuất trong nước cung cấp”, đại diện Ban chia sẻ.

Đánh giá hiện trạng cung, cầu sản phẩm cơ khí trong nước đối với ngành điện, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho biết, năng lực cung cấp của cơ khí sản xuất dây điện và thiết bị dây tốt (90%), kim ngạch xuất khẩu khá; cơ khí sản xuất mô tơ, máy phát, máy biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện đạt tỷ lệ hàng trong nước khoảng 65%... Tại nhiều dự án điện, tỷ lệ nội địa hóa đang tăng lên. Đặc biệt, với những nhà máy thủy điện, nếu như trước đây vẫn phải nhập khẩu các thiết bị cơ khí thủy công thì đến nay toàn bộ phần này do DN cơ khí trong nước đảm nhận, kể cả các nhà máy thủy điện lớn như Thủy điện Sơn La công suất đến 2.400 MW. “Các liên danh cơ khí trong nước đã chế tạo và cung cấp các thiết bị cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện với trọng lượng thiết bị lên tới hàng chục ngàn tấn”, ông Sáng nhấn mạnh.

Đối với thiết bị nhà máy nhiệt điện, Viện Nghiên cứu cơ khí đã nội địa hóa thành công bộ lọc bụi tĩnh điện cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, nội địa hóa thành công thiết bị thải tro xỉ, thiết bị lọc bụi Dự án Nhiệt điện Thái Bình 1…

Về vấn đề nhân lực, ông Phan Ngọc Cẩm Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tân 1, Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - đánh giá, đội ngũ tư vấn quản lý dự án của Việt Nam hiện khá tốt, số lượng nhà thầu chất lượng gia tăng với một số nhà thầu có tiếng như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA)… 

Chắp cánh vươn lên làm tổng thầu

Năng lực cung của cơ khí sản xuất dây điện và thiết bị dây tốt (90%), kim ngạch xuất khẩu khá; cơ khí sản xuất mô tơ, máy phát, máy biến thế điện, thiết bị phân phối và điều khiển điện tỷ lệ hàng trong nước khoảng 65%...
Không chỉ dây điện, cáp điện, mô tơ, máy phát, máy biến thế, máy biến áp..., hiện thiết bị đo đếm điện cũng dần được nội địa hóa. Nhiều nhà thầu cung cấp các thiết bị đo đếm điện (công tơ điện tử, thiết bị ghi chỉ số cầm tay) như: Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng; Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX… đã trúng hàng trăm gói thầu. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ cuối tháng 12/2015 đến nay, riêng Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng đã trúng tới 136 gói thầu với giá trị rất lớn liên quan đến các thiết bị này tại các DN thuộc ngành điện trên cả nước. Tương tự, Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX từ năm 2018 đến nay đã trúng tới 59 gói thầu giá trị lớn trong lĩnh vực này…

Song điều đáng nói, theo chia sẻ của một cán bộ Ban Vật tư thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc, dù cung ứng được công tơ điện tử, song hầu như các nhà sản xuất trong nước vẫn nhập khẩu toàn bộ dây chuyền công nghệ, nhất là phần bản mạch của công tơ rồi hoàn thiện sản phẩm trong nước. Còn DN trong nước chỉ sản xuất vỏ nhựa, ốc, vít,… Bởi vậy, chủ đầu tư này mong muốn các nhà thầu sản xuất thiết bị cần tiếp tục nâng cao trình độ khoa học công nghệ, đầu tư, đổi mới sáng tạo để sản xuất các thiết bị 100% là hàng Việt.

Nhìn về nguồn nhân lực, ông Phan Ngọc Cẩm Thành đánh giá, Việt Nam đang thiếu hụt đội ngũ nhân lực bảo dưỡng trình độ cao các công trình nhiệt điện, hiện chỉ có 3 đơn vị là: LILAMA, Công ty CP Dịch vụ sửa chữa nhiệt điện miền Bắc và một đơn vị sửa chữa thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam. Trong khi đó, thiết bị điện cho các nhà máy nhiệt điện công nghệ hiện đại vẫn phải nhập khẩu.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đơn vị này cho biết, Tập đoàn luôn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg, Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng có một chỉ thị riêng để chỉ đạo quán triệt triển khai đến các đơn vị, cán bộ nhân viên, đảm bảo tổ chức lựa chọn nhà thầu hiệu quả, nhanh chóng; công khai, minh bạch thông tin trong đấu thầu…

Đại diện các DN cơ khí Việt Nam, ông Sáng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các quy định về việc ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước đối với các dự án PPP trong các lĩnh vực nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời; dự án hạ tầng cấp điện, nước; dự án sử dụng vốn ODA…

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả được các chủ đầu tư, bên mời thầu nhấn mạnh, đó chính là hàng hóa sản xuất trong nước phải có chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Đáp ứng được yêu cầu này, chắc chắn các chủ đầu tư, bên mời thầu sẽ tin tưởng lựa chọn sử dụng hàng sản xuất trong nước nhiều hơn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư