Hàng Việt: Gian nan đường vào siêu thị

(BĐT) - Trước sự đổ bộ ồ ạt của các nhà bán lẻ vào chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đang bị hoảng loạn.
Doanh nghiệp Việt Nam phải trả nhiều loại phí khi đưa hàng vào siêu thị. Ảnh: Nhã Chi
Doanh nghiệp Việt Nam phải trả nhiều loại phí khi đưa hàng vào siêu thị. Ảnh: Nhã Chi

Đủ thứ nhiêu khê

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng giám đốc Saigon Food, việc đưa hàng vào siêu thị hiện nay của các DN đang gặp vô vàn vấn đề nhiêu khê. Ngoài việc trần ai về thủ tục, các nhà cung cấp còn phải trả hàng loạt các loại phí, gồm: trưng bày, mở mã, quầy kệ, marketing, thưởng doanh số.

Một thống kê gần đây cho thấy, ước tính tổng các loại chiết khấu lên 20% đến trên 30% giá bán. Chưa kể, khi các kênh phân phối khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, nhà cung cấp phải giảm giá bán từ 15 - 30%. Ngoài ra, hàng năm các siêu thị còn tăng 1 - 3% tiền chiết khấu thương mại.

“Việc đưa hàng vào siêu thị thực ra không có lãi, thậm chí lỗ nhưng phải gồng lên để khẳng định thương hiệu. Trong khi đó, các siêu thị, nhất là các siêu thị nước ngoài, năm nào cũng đòi tăng tiền chiết khấu. Cay đắng là vậy, nhưng để lấy lại tiền hàng từ siêu thị phải mất từ 40 - 60 ngày, thậm chí 90 ngày” - một chủ DN bức xúc.

Mọi vấn đề thực ra chưa dừng lại ở đó, vì nhà cung cấp còn tốn thêm nhiều khoản phí không chính thức cho nhân viên siêu thị. Một DN khác xin giấu tên than phiền: “Ngoài khoản phí theo quy định, muốn mở mã hàng trong một siêu thị, chúng tôi phải lót tay 10 đến 20 triệu đồng/mã hàng cho bộ phận này”.

Dường như các DN sản xuất trong nước khi đưa hàng vào siêu thị đều bị khó khăn bủa vây. Ngay cả nhân viên nhập hàng hay nhân viên quầy kệ, DN cũng phải chung chi mới yên vì không thì hàng sẽ bị nhét vào góc khuất không thể bán được, hoặc gặp những trở ngại không đáng có.

Thiếu chính sách về thị trường bán lẻ

Một điều ai cũng có thể nhìn thấy là từ năm 2018, hàng hóa nhập khẩu sẽ dễ dàng tràn vào và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ bộ đầu tư ồ ạt vào Việt Nam. Thế nhưng, theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.HCM, trong một thời gian dài, Nhà nước chỉ tập trung kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi đang thiếu một chính sách về thị trường bán lẻ.

Mình phải cứu mình trước khi trời cứu. Việc liên kết các DN cùng ngành hàng cũng tạo ra áp lực ngược trở lại với các nhà phân phối nước ngoài. Nhất là, các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nội địa phải tăng cường kết nối” Ông Huỳnh Văn Minh
Theo các chuyên gia, ai nắm hệ thống phân phối, người đó quyết định sản xuất. Bởi việc các siêu thị gia công và bán các nhãn hàng riêng với giá rất cạnh tranh khiến các DN chỉ biết gia công và phát triển theo yêu cầu của siêu thị mà thôi. Và dĩ nhiên, các DN nước ngoài họ có kinh nghiệm và tiềm lực vượt trội trong vấn đề này.

“Hiện nay, các nhà bán lẻ nước ngoài đang ồ ạt vào chiếm thị trường nội địa. Với 90 triệu dân, trong đó có tới 60% là người tiêu dùng trẻ, tỷ lệ bán lẻ của Việt Nam mới chỉ 25%, tức thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết.

Ước tính đến năm 2020, cả nước có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Hiện nay, cả nước mới có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Với kế hoạch này, trong 5 năm tới tỷ lệ bán lẻ sẽ đạt khoảng 45%. Điều khiến các DN trong nước đang cảm thấy bị đe dọa là, hiện tại thị phần tổng doanh thu đang nghiêng về phía nước ngoài với 53%, chỉ 47% còn lại thuộc về DN Việt.

Ngoài việc chiếm lĩnh các hệ thống bán lẻ hiện đại, các nhà phân phối ngoại đã mở hệ thống các cửa hàng tiện ích dưới 500 m2. Nghĩa là, hệ thống phân phối của Việt Nam bị tấn công cả ở khu vực hiện đại (siêu thị) lẫn khu vực truyền thống (các cửa hàng bán lẻ). Tương tự, nhiều hệ thống phân phối qua mạng cũng đã rơi vào tay DN nước ngoài.

Một vài kiến nghị thực ra cũng chẳng mới mẻ gì đang được các DN trong nước mong đợi là Nhà nước cần gấp rút ban hành một chính sách đối với thị trường bán lẻ, vì dù gì chúng ta còn thời gian và lộ trình triển khai trước khi các FTA có hiệu lực. Đặc biệt, cần kiểm tra có hay không việc ưu đãi cạnh tranh không lành mạnh của các siêu thị có vốn nước ngoài với hàng hóa trong nước và hàng hóa chính quốc.

“Mình phải cứu mình trước khi trời cứu. Việc liên kết các DN cùng ngành hàng cũng tạo ra áp lực ngược trở lại với các nhà phân phối nước ngoài. Nhất là, các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất nội địa phải tăng cường kết nối” - ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM khuyến nghị.

Chuyên đề