Hai trọng tâm phát triển thị trường tài chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoàn thiện hệ thống pháp luật và cải thiện năng lực các tổ chức tài chính là hai trọng tâm ưu tiên được đề xuất trong định hướng phát triển thị trường tài chính giai đoạn 2021 - 2025. Đây cũng là nội dung được chú trọng trong kế hoạch cơ cấu lại các tổ chức tín dụng thuộc định hướng cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy thị trường tài chính phát triển nhanh và lành mạnh. Ảnh: Lê Tiên
Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong những điều kiện tiên quyết để thúc đẩy thị trường tài chính phát triển nhanh và lành mạnh. Ảnh: Lê Tiên

Đã được cơ cấu lại mạnh mẽ

Sau 5 năm (2016 - 2020) thực hiện, kế hoạch tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và thị trường tài chính theo Nghị quyết số 24/2016/QH14 đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), 5 năm vừa qua, quy mô thị trường tài chính không ngừng gia tăng, đáp ứng nhu cầu cung ứng vốn cho nền kinh tế, hệ thống định chế tài chính hoạt động ngày càng lành mạnh, an toàn, chuẩn mực hơn, mô hình quản trị công ty, kiểm soát rủi ro được cải tiến và dần tiệm cận thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, khung khổ pháp lý cho thị trường tài chính ngày càng hoàn thiện theo hướng tăng cường các biện pháp xử lý TCTD yếu kém; các hành vi vi phạm trên thị trường; nâng cao tính minh bạch, kỷ luật thị trường và chuẩn mực giám sát; tiệm cận với thông lệ, nguyên tắc và các cam kết quốc tế; thúc đẩy thị trường tài chính phát triển nhanh, mạnh hơn, góp phần bảo đảm sự an toàn và lành mạnh của hệ thống tài chính.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống tài chính được cơ cấu lại mạnh mẽ, triệt để trên nhiều phương diện và đạt nhiều kết quả tích cực.

Về tái cơ cấu các TCTD, hai văn bản quan trọng nhất là Quyết định 1058/QĐ-TTg năm 2017 về cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định 986/QĐ-TTg năm 2018 về Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, một số mục tiêu đã đạt được là: lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD; các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II, 12 - 15 NHTM áp dụng thành công Basel II.

Thủ tướng Chính phủ đã có những quyết định quan trọng để phát triển thị trường chứng khoán và bảo hiểm. Đó là: Quyết định 1191/QĐ-TTg năm 2017 về lộ trình phát triển thị trường trái phiếu 2017 - 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định 242/QĐ-TTg năm 2019 về cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng 2025. Theo đó, những mục tiêu đã đạt tính đến năm 2020 là số lượng các công ty niêm yết đã tăng 20% so với năm 2017, doanh thu phí bảo hiểm đạt gần 3% GDP.

Cần thống nhất trong triển khai

Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giới nghiên cứu cho rằng, hoạt động của thị trường tài chính vẫn còn hạn chế. Do đó, việc xây dựng định hướng cơ cấu lại và phát triển thị trường tài chính giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết.

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, dù đã phát triển đáng kể trong những năm vừa qua, song quy mô thị trường tài chính vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, hạn chế khả năng phát triển và hội nhập quốc tế, vấn đề giám sát an toàn hệ thống còn nhiều bất cập, trên từng thị trường vẫn tiềm ẩn những rủi ro, hạn chế riêng.

Ông Thăng đề xuất, định hướng phát triển toàn diện thị trường tài chính Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 trước hết cần chú trọng tính ổn định, minh bạch, hiện đại. Trong đó, cần chú trọng việc tiếp tục cơ cấu lại toàn diện các tổ chức tài chính, đặc biệt là hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD yếu kém, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động mua bán nợ, thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ để tăng cường khả năng xử lý nợ xấu.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là hết sức cần thiết để tạo sự thống nhất trong triển khai, giúp các đối tượng thụ hưởng chính sách vận dụng hiệu quả.

Cụ thể, xem xét luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 (NQ 42) về xử lý nợ xấu, tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam, sửa Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo hướng tăng dần tính độc lập của NHNN, sửa Luật Các TCTD nhằm tăng tính tự chủ, tính thị trường và minh bạch của các TCTD…

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo một không gian sản xuất và kinh doanh tương đối đồng nhất, cùng với áp lực cạnh tranh lớn và làn sóng mua bán, sáp nhập mạnh mẽ. Do đó, cần đẩy nhanh tiến trình nâng cao năng lực, hiệu quả của các tổ chức tài chính, nhất là năng lực tài chính, năng lực áp dụng chuẩn mực quản trị và chuẩn mực Basel II, III.

Chuyên đề