Hài hòa lợi ích - yêu cầu tiên quyết trong thiết kế chính sách PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các cơ quan chức năng đang lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý toàn diện cho mô hình PPP. Sau đây là ý kiến của các chuyên gia, nhà đầu tư đánh giá về thực tiễn thu hút đầu tư và đề xuất giải pháp để tăng sức hấp dẫn cho các dự án PPP ở Việt Nam.
Pháp luật về PPP cần cụ thể hóa các quy định về chế tài xử lý khi các bên chủ thể hợp đồng dự án PPP không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng đã ký. Ảnh: Lê Tiên
Pháp luật về PPP cần cụ thể hóa các quy định về chế tài xử lý khi các bên chủ thể hợp đồng dự án PPP không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng đã ký. Ảnh: Lê Tiên

Dự án PPP cần có quy trình thực hiện nhanh hơn dự án đầu tư công

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC)

TP.HCM đang xây dựng quy trình thực hiện các dự án PPP với mong muốn quy trình đầu tư PPP phải nhanh hơn so với đầu tư công. Trong thời gian qua, ITPC đã tiếp nhận nhiều thông tin, kiến nghị, góp ý từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư để hoàn thiện chính sách này.

Theo đó, các nhà đầu tư đề nghị TP.HCM cần sớm có hợp đồng mẫu cho dự án PPP và mong muốn quy định trong hợp đồng mẫu cần linh hoạt hơn, có điều khoản điều chỉnh phù hợp trong từng lĩnh vực đặc thù. Ngoài các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, hợp đồng mẫu cần hướng đến hài hòa lợi ích giữa khu vực tư nhân và Nhà nước.

Đặc biệt, các nhà đầu tư cho rằng, để triển khai hiệu quả phương thức PPP theo tinh thần của Nghị quyết 98/2023/QH15, cần tăng cường vai trò của khối tư nhân và cân bằng lợi ích trong việc triển khai dự án PPP. Cụ thể, cần nghiên cứu về quyền của nhà đầu tư trong khâu vận hành dự án; có cơ chế rõ ràng để nhà đầu tư được cùng Nhà nước xác định doanh thu tăng, giảm. Mặt khác, cần đồng bộ hóa năng lực quản lý dự án PPP của cơ quan nhà nước, nâng cao trình độ, nhận thức về PPP cho cán bộ cấp sở, ngành, cơ quan được giao nhiệm vụ chủ đầu tư. Thủ tục dự án, thời gian triển khai, kịp thời tháo gỡ vướng mắc hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ triển khai dự án.

Nhà đầu tư mong muốn cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm các vướng mắc bằng cơ chế đặc thù

Ông Nguyễn Thế Vinh, Tổng giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái

Dự án Đoạn 3 đường Vành đai 2 TP.HCM dài 2,7 km có điểm đầu tại đường Phạm Văn Đồng và điểm cuối tại nút giao Gò Dưa Quốc lộ 1 (TP. Thủ Đức) do chúng tôi tham gia với vai trò nhà đầu tư và đã ngưng trệ hơn 4 năm do nhiều vướng mắc. Dự án thực hiện theo hợp đồng BT được ký kết năm 2016, khởi công năm 2017. Đến năm 2020, Dự án tạm dừng khi khối lượng thi công đạt khoảng 50%. Lý do là vướng mặt bằng và chờ thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, thanh toán quỹ đất theo hợp đồng BT. Nguyên nhân chậm tiến độ giải phóng mặt bằng do nhiều yếu tố. Về phía người dân, một số hộ chưa đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, nhiều trường hợp tranh chấp, khiếu kiện kéo dài khiến cho công tác thi công chưa được hoàn thiện.

Sự thay đổi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng cũng làm kéo dài tiến độ của Dự án. Hiện tổng giá trị thực chi để thực hiện Dự án là hơn 2.200 tỷ đồng, lãi suất phát sinh đến nay là hơn 600 tỷ đồng.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đã chuẩn bị đủ vốn, chỉ đợi Thành phố gỡ vướng về các thủ tục để cùng với địa phương sớm đền bù, giải phóng mặt bằng phần còn lại. Nhà đầu tư đã làm việc với tổng thầu, đơn vị xây lắp để bảo đảm trong thời gian ngắn nhất có thể thi công trở lại. Nhà đầu tư kỳ vọng các vướng mắc hiện hữu của Dự án sẽ được tháo gỡ nhờ Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Bản chất thu hút đầu tư PPP là chất lượng và phương án hoàn vốn của dự án

Ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian qua, việc thu hút đầu tư vào các dự án PPP gặp nhiều khó khăn, chưa đạt được kỳ vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân là cơ chế thu hút đầu tư PPP chưa hoàn thiện. Tuy nhiên, trên thực tế, sức hấp dẫn của dự án PPP còn phụ thuộc vào chất lượng dự án và khả năng hoàn vốn cho dự án. Điều này lý giải tại sao, ở thời điểm trước khi Luật PPP ban hành, chúng ta có hàng loạt dự án PPP (loại hợp đồng BOT, BT) nhưng sau khi ban hành Luật PPP - về cơ bản khung pháp lý khá đầy đủ nhưng tốc độ thu hút đầu tư theo phương thức PPP lại giảm mạnh cả về số lượng dự án lẫn tổng vốn đầu tư.

Do đó, song song với việc hoàn thiện khung pháp lý về PPP, chúng ta phải tìm kiếm và lựa chọn được các dự án có chất lượng, có phương án hoàn vốn hấp dẫn thì mới thu hút đầu tư PPP thành công. Muốn kêu gọi được nhà đầu tư và ngân hàng tham gia đầu tư thì dự án phải bảo đảm tính khả thi, có phương án tài chính hoàn vốn thuận lợi, lợi nhuận của nhà đầu tư và phía ngân hàng bảo đảm thì họ sẽ tham gia. Các cơ quan chức năng cần đánh giá, phân tích kỹ lưỡng các yếu tố, quan tâm đến phương án tài chính hoàn vốn của dự án, đặt mình vào địa vị của nhà đầu tư, của ngân hàng cho vay vốn khi “đổ” một nguồn tiền lớn vào dự án để thấu hiểu và đánh giá tính khả thi, khả năng “sinh lời” trước một quyết định đầu tư lớn.

Đề nghị sớm có hướng dẫn cơ chế thanh toán cho dự án BT chuyển tiếp

Ông Nguyễn Trung Hoàng, thành viên HĐQT Công ty CP NTF Hoàng Phát

Công ty CP NTF Hoàng Phát là nhà đầu tư thực hiện Dự án Tạo mặt bằng khu trung tâm hành chính và quảng trường tỉnh Sơn La theo loại hợp đồng BT. Hợp đồng được Công ty và UBND tỉnh Sơn La ký kết vào ngày 14/11/2017.

Theo hợp đồng BT, UBND tỉnh Sơn La bố trí 2 quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Khu đất số 1 có vị trí tại bản Pột và bản Coóng Nọi, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La. Khu đất số 2 thuộc bản Pung, phường Chiềng Sinh, TP. Sơn La.

Năm 2019, nhà đầu tư đã hoàn thành Dự án và bàn giao đưa vào sử dụng. Dự án đã phát huy được hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, giá trị chênh lệch sau khi thanh toán dự án bằng quỹ đất của nhà đầu tư chưa được cơ quan có thẩm quyền thanh toán dứt điểm. Cụ thể, hiện mới chỉ có khu đất số 1 đã được thanh toán cho nhà đầu tư. Khu đất số 2 đang được định giá khoảng 40 tỷ đồng, tuy nhiên chưa được thanh toán, nhà đầu tư vẫn phải trả lãi vay.

Nguyên nhân là, thời gian vừa qua, loại hợp đồng BT đã bị “khai tử”, trong khi Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hợp đồng BT lại thiếu hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp tổng giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn tổng giá trị dự án BT thì Nhà nước thanh toán số chênh lệch bằng tiền hoặc bằng quỹ đất cho nhà đầu tư.

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích của nhà đầu tư, Nhà nước, chúng tôi đề nghị cấp có thẩm quyền (Chính phủ) cần quy định chi tiết điểm b khoản 2 Điều 7 và điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định số 69/2019/NĐ-CP về trình tự, thủ tục, thẩm quyền và nguồn vốn để bố trí ngân sách nhà nước thanh toán.

Loại hợp đồng BT đã được triển khai trong nhiều năm, góp phần phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của đất nước. Để bảo đảm xử lý tổng thể, giải quyết các tồn tại, vướng mắc và khơi thông nguồn lực đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có các dự án BT, tôi đề nghị bổ sung cơ chế thanh toán dự án BT chuyển tiếp vào Luật PPP dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung tới đây.

Hình thức thanh toán cho nhà đầu tư BT là thanh toán bằng tiền trả chậm giống như cơ chế đặc thù của TP.HCM. Theo đó, quỹ đất và tài sản công dùng để thanh toán cho nhà đầu tư sẽ đấu thầu/đấu giá. Trong quá trình này, nếu nhà đầu tư tham gia thì nhà đầu tư được ưu tiên (không phải nộp bảo lãnh dự thầu hoặc không phải ký quỹ). Nếu nhà đầu tư trúng thầu thì được bù trừ trong thanh toán; nếu nhà đầu tư khác trúng thầu thì dùng tiền đó để thanh toán cho nhà đầu tư BT.

Cần quy định chế tài cụ thể để bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư PPP

Ông Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp)

Thực tiễn triển khai các dự án hạ tầng giao thông đầu tư theo phương thức PPP thời gian qua cho thấy một số quy định trong Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh để bảo đảm quyền lợi chính đáng, lâu dài cho các bên, đặc biệt là phía nhà đầu tư.

Chẳng hạn, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP hiện chưa có điều khoản quy định rõ về trách nhiệm và phương án xử lý trong trường hợp nhà đầu tư không được tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo lộ trình đã cam kết trong hợp đồng dự án BOT. Điều này dẫn đến tiềm ẩn rủi ro mất cân đối phương án tài chính dự án, mà nhà đầu tư là bên trực tiếp chịu ảnh hưởng. Do đó, các cơ quan chức năng được phân công hoàn thiện khung pháp lý PPP cần sớm bổ sung quy định cụ thể theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để bù đắp phần thiếu hụt doanh thu do không được điều chỉnh giá, phí dịch vụ công hoặc điều chỉnh phương án tài chính của dự án. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm làm việc với bên cho vay để điều chỉnh lịch trả nợ cho dự án PPP.

Bên cạnh đó, pháp luật về PPP cần cụ thể hóa các quy định về chế tài xử lý khi các bên chủ thể hợp đồng dự án PPP không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng đã ký. Ngoài ra, cũng cần có các quy định hướng dẫn chi tiết đối với điều khoản chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, bởi tại thời điểm nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP chưa xác định được giá trị cụ thể để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Cần có kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình PPP với tầm nhìn dài hạn và mục tiêu cụ thể

Ông Trần Duy Hưng, chuyên gia PPP, Giám đốc điều hành Monitor Consulting - công ty tư vấn về PPP và phát triển các dự án hạ tầng tại Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận dự án PPP tại một quốc gia sẽ quan tâm cả danh mục dự án, chứ không phải từng dự án một, dự án được chuẩn bị như thế nào, cơ chế lợi nhuận, rủi ro ra sao, cam kết của Chính phủ như thế nào, thị trường PPP có tuân thủ luật chơi quốc tế hay không?

Nếu Nhà nước muốn thu hút vốn tư nhân, thì cần đứng từ góc độ nhà đầu tư và bên cấp vốn để xây dựng chính sách và môi trường đầu tư phù hợp.

Từ góc độ đó, theo tôi, quan trọng nhất là phải xây dựng một kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình PPP có tầm nhìn dài hạn và mục tiêu cụ thể, bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán trong thực hiện PPP tại Việt Nam. Cùng với đó, có cam kết mạnh mẽ của Chính phủ để thực hiện chương trình, xác định ngân sách hỗ trợ như thế nào, nguồn lực tham gia dự án PPP ra sao…

Danh mục dự án PPP trọng điểm cần tập trung ở cấp quốc gia, thay vì phân tán ở từng địa phương như hiện nay. Đây cũng là thông lệ của nhiều quốc gia có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam. Nếu phân tán như hiện nay, nhà đầu tư khó tiếp cận, năng lực của nhiều địa phương còn yếu, chuẩn bị dự án không đạt yêu cầu của thị trường và cam kết chính trị không đồng bộ trong thực hiện chiến lược PPP cũng như triển khai từng dự án cụ thể.

Những việc này có thể nằm ngoài Luật PPP nhưng là tín hiệu rõ nét nhất với thị trường về quyết tâm của Việt Nam trong thu hút đầu tư PPP, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào sự an toàn, ổn định của thị trường PPP để yên tâm rót vốn. Cùng với đó, việc sửa Luật PPP và pháp luật liên quan sẽ tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở ra những cơ chế thông thoáng, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, với mục tiêu thu hút được nhiều nhất nguồn lực, năng lực của khu vực tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng.

Chuyên đề