Việc điều chỉnh khung giá đất sẽ làm tăng chi phí đối với người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Bất ngờ giảm một nửa so với đề xuất ban đầu
Trước đó, UBND TP. Hà Nội đưa ra mức đề xuất tăng khung giá đất bình quân 30%. Tuy nhiên, nhằm tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân, UBND TP. Hà Nội thống nhất đề xuất HĐND xem xét mức tăng bình quân 15%.
Để xác định khung giá đất mới, cơ quan khảo sát đã xác định 584 điểm điều tra tại 584 phường, xã, thị trấn (386 xã, 177 phường và 21 thị trấn) thuộc địa bàn 30 quận/huyện/thị xã.
Theo quy định, khung giá đất được sử dụng làm căn cứ để UBND cấp tỉnh quy định bảng giá đất tại địa phương. UBND TP. Hà Nội cho biết, giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường cao hơn giá cùng vị trí quy định tại bảng giá đất của UBND Thành phố. Tuy nhiên, bảng giá mới phải từng bước đảm bảo sự cân đối về giá đất, góp phần bình ổn giá nói chung, đồng thời đảm bảo nguyên tắc tiếp cận dần với giá thị trường, cân đối giá giữa các vùng.
Theo UBND TP. Hà Nội, bảng giá đất được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây: Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở; tính thuế sử dụng đất; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai; tính thuế thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ về đất…
Việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ tác động trực tiếp tới các đối tượng nêu trên, qua đó tác động đến kinh tế - xã hội của Thành phố.
Những tác động cụ thể
Theo báo cáo của Cục Thuế TP. Hà Nội, dự kiến trong giai đoạn 5 năm 2020 - 2024, bảng giá các loại đất điều chỉnh tăng sẽ làm tăng thu cho ngân sách thành phố đối với các loại thuế, phí, tiền thuê đất tương ứng khoảng 3.810 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo UBND TP. Hà Nội, ở chiều ngược lại cũng sẽ làm tăng chi phí đối với người dân, đối với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngoài ra, việc điều chỉnh bảng giá đất có thể tác động gián tiếp đến thị trường bất động sản, đến công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn do yếu tố tâm lý, như các chủ đầu tư tranh thủ tăng giá bán bất động sản tại dự án với lý giải do các khoản thuế, phí tăng. Các hộ nằm trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trông chờ giá bồi thường tăng.
Đánh giá về việc tăng khung giá đất, bà Trần Thị Khánh Linh - Trưởng bộ phận Định giá thuộc Savills TP.HCM - cho biết: Thực tế hiện nay, giá đất giao dịch trên thị trường đã khác biệt rất lớn so với giá đất quy định trong bảng giá đất do UBND các tỉnh, thành phố ban hành. Khác biệt này đặc biệt thể hiện rõ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Để thu hẹp khác biệt này, mỗi năm, UBND các thành phố đều ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để tính toán các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Theo bà Linh, đề xuất của UBND TP. Hà Nội có cơ sở riêng, dựa trên thực tiễn khảo sát từ thị trường, do đó đề xuất tăng là hoàn toàn hợp lý, vì giá nhà đất đã thay đổi chóng mặt kể từ năm 2014 cho đến nay.
Đánh giá về tác động của khung giá đất hiện tại đối với thị trường, bà Linh cho hay: Khung giá đất hiện tại chưa phản ánh đúng giá thị trường làm cho người bị thu hồi đất thiệt thòi và không đồng thuận, làm cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm triển khai và dự án chậm đi vào hoạt động, là một tác nhân làm thu hẹp nguồn cung. Đối với chủ đầu tư, nếu theo Luật Đất đai, các dự án bất động sản có giá trị trên 30 tỷ đồng đều không căn cứ vào bảng giá đất mà phải sử dụng cơ sở định giá thị trường để xác định nghĩa vụ tài chính.
"Việc điều chỉnh khung giá đất cũng không ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của các dự án bất động sản. Từ đó, giá thành các sản phẩm bất động sản không bị ảnh hưởng nhiều. Thêm nữa, việc xác định giá đất theo giá trị thị trường là cơ chế tối ưu để hạn chế thất thu ngân sách nhà nước, làm thỏa mãn tất cả các bên sử dụng đất có liên quan", bà Linh nói.