Chi nhánh của Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung tại Hà Nội là một… cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Minh Tuấn st |
Cổ phiếu nóng, thông tin mập mờ
Cổ phiếu MTM của Công ty CP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung giao dịch trên sàn UpCOM những ngày gần đây đã gây một cú sốc không nhỏ đối với các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này. Trên các diễn đàn tài chính chứng khoán, các chủ đề xung quanh MTM luôn thu hút được lượng phản hồi khủng với bao nhiêu tâm trạng của cổ đông lẫn những người ngoài cuộc.
Cổ phiếu MTM bắt đầu lên sàn UpCOM từ ngày 15/4/2016. Sau phiên giao dịch đầu tiên tăng trần, đóng cửa ở mức giá 14.700 đồng/CP, MTM bắt đầu làm mưa làm gió sàn UpCOM với khối lượng giao dịch khủng, hàng triệu đơn vị mỗi phiên. Vì vậy, cho dù lao dốc, cổ phiếu MTM vẫn được giao dịch sôi động với tâm lý cổ phiếu này dễ “thoát hàng” khi tính thanh khoản rất cao. Tuy nhiên, cuộc chơi chấm dứt khi tối muộn Thứ 6 ngày 17/6/2016, HNX ra thông báo tạm ngừng giao dịch toàn bộ 31 triệu cổ phiếu MTM bắt đầu từ ngày 20/6/2016. Lý do được cơ quan này đưa ra là “xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận”.
Cổ phiếu MTM đã kịp mất giá trên 70% trong 2 tháng kể từ khi giao dịch chính thức trên UpCOM.
Một loạt vấn đề của MTM được phanh phui. Theo thông tin từ Website Tổng cục Thuế, Công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế. Số điện thoại người công bố thông tin không liên lạc được. Trụ sở chính của Công ty tại Nghệ An là một… quán ăn, chi nhánh của Công ty tại Hà Nội là một… cơ sở chăm sóc sức khỏe.
Hiện chưa có thông tin chính thức bổ sung từ phía các cơ quan chức năng cũng như Ban lãnh đạo MTM. Cổ đông công ty này vì vậy không biết bám víu vào đâu vì tài khoản coi như đã bị phong tỏa khi cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch.
Cẩn trọng không thừa
Trong vòng 10 tháng đầu năm 2014, MTM đã tăng vốn điều lệ một mạch từ mức 10 tỷ đồng lên 310 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm 30 triệu CP cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ của MTM tăng hơn 30 lần chỉ sau 10 tháng. Với mức độ tăng trưởng bất thường như vậy, năng lực hoạt động của MTM đáng lẽ ra phải được đặt dấu hỏi… Trên thị trường không thiếu những doanh nghiệp tăng vốn siêu tốc nhưng kết quả kinh doanh tăng trưởng không tương xứng như vậy. Cổ đông của các doanh nghiệp này luôn được “động viên” hãy chờ quả ngọt đến từ kết quả kinh doanh trong tương lai. Chỉ có điều, trong khi chờ đợi, cổ phiếu không ngừng rớt giá.
Một điểm đáng lo ngại khác là Ban lãnh đạo MTM gần như không nắm giữ cổ phiếu Công ty. Trách nhiệm của ban lãnh đạo trong việc bảo vệ quyền lợi cho cổ đông, vì vậy cũng phải đặt ra những nghi vấn.
Trong Báo Đấu thầu số ra ngày 20/6/2016, chúng tôi đã phản ánh về tình hình cổ phiếu SGO của Saigon Oil sau nửa năm niêm yết trên HNX. “Kịch bản” của SGO tương tự với MTM khi công ty này trong hơn 1 tháng đã tăng vốn 200 lần từ mức 1 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ đông lớn SGO cũng hoàn tất thoái vốn trước khi công ty này niêm yết lên HNX. Sau hơn nửa năm lên sàn, cổ phiếu SGO đã kịp bay mất hơn 70% giá trị.
Nhìn chung, những cổ phiếu trong đó ban lãnh đạo thậm chí cũng không muốn nắm giữ, cổ đông cần cân nhắc trước khi ra quyết định đầu tư.
Còn nhớ, tại ĐHCĐ thường niên 2016 gần đây của Công ty CP Liên doanh đầu tư quốc tế KLF, cổ đông Công ty bày tỏ sự bức xúc khi kết quả kinh doanh của KLF đi xuống trong năm 2015, cổ phiếu không ngừng giảm giá, trong khi lãnh đạo Công ty nhất loạt không mua vào. Trước sức ép của cổ đông, lãnh đạo KLF đã buộc cam kết tại ĐHCĐ sẽ mua vào tối thiểu 700.000 cổ phần trong vòng 1 tháng tới. Cái giá của lời hứa nói trên, tính theo thị giá lúc bấy giờ của cổ phiếu KLF, ở vào khoảng 2,2 tỷ đồng!
Trước khi các cơ quan chức năng tìm ra những lỗ hổng khiến “hàng hóa” trên các sàn giao dịch chứng khoán trở nên kém chất lượng, mỗi nhà đầu tư cần tự trang bị những kiến thức, và sự “hoài nghi” tối thiểu trước khi ra quyết định đầu tư.