Gói thầu xây lắp điện tại Cư Kuin (Đắk Lắk): Loại nhà thầu có thỏa đáng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa tiếp nhận đơn kiến nghị của Công ty CP Xây lắp và Sửa chữa thiết bị điện Miền Bắc về kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Di dời lưới điện trong phạm vi giải tỏa, bồi thường phục vụ đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh phía Đông Buôn Ma Thuột (qua địa bàn xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin).
Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải cam kết hoặc đề xuất hợp đồng nguyên tắc với nhà sản xuất/nhà cung cấp vật liệu trên địa bàn thi công công trình. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải cam kết hoặc đề xuất hợp đồng nguyên tắc với nhà sản xuất/nhà cung cấp vật liệu trên địa bàn thi công công trình. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Bị loại tại gói thầu này, Nhà thầu không đồng tình do cho rằng, quá trình lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) chưa thực sự minh bạch, khách quan.

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 5,965 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi, do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Cư Kuin làm chủ đầu tư, giao Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển An Dũng tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT. Kết quả, Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Cao Nguyên - Công ty TNHH MTV LTC trúng thầu với giá 5,953 tỷ đồng, giảm 12 triệu đồng sau đấu thầu.

Về phía Công ty CP Xây lắp và Sửa chữa thiết bị điện Miền Bắc, Báo cáo đánh giá HSDT cho thấy, Nhà thầu bị loại do HSDT không đáp ứng tính hợp lệ (thư bảo lãnh dự thầu ghi sai số thông báo mời thầu), không đáp ứng yêu cầu về vật liệu xây dựng. Theo đánh giá, việc Nhà thầu ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP Đức Phúc 368 (Hải Dương) về việc cung cấp vật tư cho gói thầu đang xét, trong khi công trình được thực hiện tại Đắk Lắk, là không khả thi về mặt địa lý, có thể ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Mặt khác, theo quy định tại HSMT, nhà thầu phải cam kết hoặc đề xuất hợp đồng nguyên tắc với nhà sản xuất/nhà cung cấp vật liệu trên địa bàn thi công.

Không đồng tình với đánh giá nêu trên, ngày 13/3, Công ty CP Xây lắp và Sửa chữa thiết bị điện Miền Bắc đã có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu.

Theo nội dung kiến nghị, tại HSDT, Nhà thầu đề xuất thư bảo lãnh phát hành bởi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đông Hải Dương về việc cấp tín dụng với giá trị 89 triệu đồng cho số thông báo mời thầu IB2300012277-00. Ngày 2/2, Bên mời thầu đăng tải quyết định điều chỉnh HSMT, bổ sung khối lượng móng cột tại bảng kê hạng mục công việc, theo đó, số thông báo mời thầu được cập nhật thành IB2300012277-01. Việc HSMT chỉ bổ sung hạng mục công việc rất nhỏ và giữ nguyên dự toán về bản chất sẽ không làm thay đổi giá trị hay thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu. Mặt khác, việc sai số ký hiệu thông báo mời thầu không nằm trong các trường hợp bảo đảm dự thầu không hợp lệ theo quy định tại HSMT, không phải lý do để loại nhà thầu.

Với yêu cầu về hợp đồng nguyên tắc cung ứng vật liệu, Nhà thầu cho rằng, HSMT không tuân thủ quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT khi giới hạn nguồn cung ứng trên một địa bàn nhất định, do vậy, không thể lấy tiêu chí vi phạm quy định về cạnh tranh trong đấu thầu để loại nhà thầu. Ngoài ra, việc Bên mời thầu cho phép liên danh đối thủ làm rõ hàng loạt nội dung liên quan đến năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, trong khi Nhà thầu không được trao cơ hội làm rõ HSDT cũng làm phát sinh quan ngại về tính khách quan tại cuộc thầu.

Trả lời phóng viên Báo Đấu thầu về nội dung kiến nghị trên, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển An Dũng, đại diện Tổ chuyên gia đấu thầu khẳng định, việc lập HSMT, đánh giá HSDT đều đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật. “Những sai sót trong HSDT của Công ty CP Xây lắp và Sửa chữa thiết bị điện Miền Bắc đều là sai sót đáng kể, không thuộc các trường hợp được bổ sung, làm rõ theo quy định. Do đó, chúng tôi giữ quan điểm bảo lưu kết quả lựa chọn nhà thầu đã công bố”, ông Dũng thông tin.

Theo một chuyên gia đấu thầu, kiến nghị của Nhà thầu là có cơ sở. Trường hợp số ký hiệu thông báo mời thầu được cập nhật thay đổi nhưng không làm ảnh hưởng đến các thông tin cơ bản như tên gói thầu; tên dự án; đơn vị thụ hưởng; giá trị; thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu, thì không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của loại tài liệu này.

Cũng theo vị chuyên gia, nếu không phải công trình xây lắp đặc thù, đối với nguyên vật liệu là hàng hóa phổ thông, sẵn có, nhà thầu hoàn toàn có thể chủ động trong việc đề xuất, tìm kiếm đơn vị cung cấp theo nguyên tắc đảm bảo trữ lượng, chất lượng và tính sẵn sàng đáp ứng, thay vì phải “bó hẹp” nguồn cung trong một phạm vi nhất định. Bên cạnh đó, theo quy định, trường hợp nhận thấy các nội dung trong hợp đồng nguyên tắc chưa bảo đảm, Tổ chuyên gia phải yêu cầu nhà thầu làm rõ, không được loại bỏ ngay HSDT.

Chuyên đề