Gói thầu tại Trường THCS Thị trấn Vôi (Bắc Giang): Biến hàng hóa phổ thông thành đặc thù?

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Sau một lần phải hủy thầu và đấu thầu lại, Gói thầu Xây lắp và cung cấp, lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Xây dựng nhà ăn, nhà bán trú Trường THCS thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã lựa chọn được nhà thầu. Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa có hồi kết khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang (Chủ đầu tư) đang giải quyết kiến nghị của một nhà thầu cùng tham dự Gói thầu.

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 6.414.813.000 đồng, sử dụng vốn ngân sách huyện Lạng Giang và các nguồn vốn khác. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lạng Giang là chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Gói thầu được đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng, theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, mở thầu ngày 22/10/2020, với sự tham dự của 2 nhà thầu: Công ty TNHH Ngọc Khánh (địa chỉ tại Thanh Hóa) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Thái Sơn (địa chỉ tại Bắc Giang).

Phản ánh đến Báo Đấu thầu, Công ty Ngọc Khánh cho biết, Nhà thầu đã xây dựng hồ sơ dự thầu (HSDT) với đầy đủ các tiêu chí phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) nhưng lại bị loại do không đạt tiêu chí kỹ thuật.

Cụ thể, Gói thầu bao gồm 2 phần là xây lắp và thiết bị. Trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật đối với phần thiết bị (được mô tả tại Chương V), HSMT yêu cầu nhà thầu phải cung cấp catalogue, tài liệu kỹ thuật do hãng sản xuất phát hành có đầy đủ nội dung chứng minh các đặc tính, thông số kỹ thuật chào thầu phù hợp với yêu cầu tại Chương V. Theo đó, HSDT của Công ty Ngọc Khánh có nêu đầy đủ các đặc tính, thông số kỹ thuật và hình ảnh phù hợp với yêu cầu của HSMT, nhưng không đính kèm catalogue của sản phẩm được phát hành bởi hãng sản xuất. Do đó, Nhà thầu không được đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật.

Công ty Ngọc Khánh cho rằng, danh mục các thiết bị trong HSMT đều là những hàng hóa phổ thông, sẵn có trên thị trường như bếp ga công nghiệp; nồi nấu canh; tủ cơm điện; máy sấy công nghiệp; tủ đông lạnh chứa thực phẩm, máy xay thịt; điều hòa... Tuy nhiên, HSMT lại xây dựng theo hướng mô tả chi tiết, cụ thể thông số kỹ thuật sản phẩm hướng tới đích danh một nhãn hiệu nào đó mặc dù có quy định thêm cụm từ “hoặc tương đương” là không cần thiết, vô hình trung làm hạn chế cạnh tranh. Cụ thể, danh mục thiết bị hàng hóa được nêu trong HSMT gồm: bếp ga công nghiệp - 3 vòng lửa (nhãn hiệu Windo/Windo 280 hoặc tương đương); nồi nấu canh (nhãn hiệu Đức Việt DVP600EM - sản phẩm của Rossy Việt Nam hoặc tương đương); máy sấy bát công nghiệp (nhãn hiệu Đức Việt DV1000ITX - sản phẩm của Rossy Việt Nam hoặc tương đương); máy xay thịt (nhãn hiệu Đức Việt DVXT8SL - sản phẩm của Rossy Việt Nam hoặc tương đương)...

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ của Chủ đầu tư cho biết, mặc dù HSDT của Công ty Ngọc Khánh có nêu đầy đủ nội dung chứng minh các đặc tính, thông số kỹ thuật và hình ảnh của sản phẩm, tuy nhiên, Nhà thầu vẫn cần phải cung cấp catalogue sản phẩm để chứng minh nguồn gốc, chứng nhận của nhà sản xuất. Trường hợp không cung cấp catalogue sẽ bị đánh giá là không đạt.

Chủ đầu tư cho biết đã nhận được đơn kiến nghị của Công ty Ngọc Khánh và sẽ có công văn phúc đáp sau khi tham vấn ý kiến của Hội đồng giải quyết kiến nghị thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang.

Bình luận về trường hợp này, một chuyên gia đấu thầu cho biết, đối với bất kỳ catalogue, cấu trúc nội dung thông thường đều bao gồm đặc tính, thông số kỹ thuật và hình ảnh của sản phẩm. Theo đó, nội dung chào thầu của Công ty Ngọc Khánh đã bao hàm đầy đủ thông tin trong catalogue, nên việc Nhà thầu phải cung cấp một bản catalogue đính kèm HSDT là không cần thiết. Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng khẳng định, trong trường hợp bắt buộc, Nhà thầu hoàn toàn có quyền cung cấp bổ sung catalogue trong bước làm rõ HSDT mà không làm thay đổi bản chất HSDT. Do đó, việc Nhà thầu bị loại ngay từ bước đánh giá kỹ thuật là không thỏa đáng.

Cũng theo vị chuyên gia này, pháp luật về đấu thầu hiện hành cho phép HSMT được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu trong trường hợp hàng hóa quá đặc thù, không thể mô tả chi tiết. Theo đó, trong trường hợp này, Chủ đầu tư/Bên mời thầu cần xây dựng HSMT với những tiêu chí mở nhằm thu hút nhiều nhất có thể số lượng nhà thầu tham dự, thay vì lạm dụng các quy định pháp luật để biến hàng hóa phổ thông trở thành hàng hóa đặc thù.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư