Hàng hóa tại Gói thầu Cung cấp bàn ghế học sinh cho các trường công lập trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là hàng hóa phổ thông trên thị trường. Ảnh minh họa: Hoàng Quân |
Gói thầu nêu trên có giá dự toán 18,017 tỷ đồng, được đấu thầu rộng rãi qua mạng. Phản ánh đến Bên mời thầu và Báo Đấu thầu, một nhà cung cấp cho biết, dù quy mô mua sắm tập trung lớn, song bàn, ghế cần cung cấp tại Gói thầu là hàng hóa phổ thông trên thị trường, do đó, việc HSMT áp dụng quá nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật, trong đó có những tiêu chuẩn rất đặc thù, là không cần thiết, hạn chế nhà thầu tham dự.
Theo đó, tại Chương V - Yêu cầu kỹ thuật, HSMT quy định hàng hóa dự thầu phải đáp ứng đồng thời các chứng nhận tiêu chuẩn: ISO 9001:2015 (Hệ thống quản lý chất lượng); ISO 14001:2015 (Hệ thống quản lý môi trường); ISO 45001:2018 (Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp); TCVN 6238-1:2011 (chỉ tiêu cạnh sắc, độ ổn định và độ quá tải đối với bàn ghế mầm non); TCVN 6238-3:2011 (chỉ tiêu giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại đối với bàn ghế mầm non). Đối với bàn ghế học sinh tiểu học và THCS, gỗ dùng để sản xuất bàn ghế phải có giấy chứng nhận kết quả giám định đạt TCVN 8575:2010; TCVN 8576:2010 và đã được giám định kiểm tra hàm lượng thuốc bảo quản gỗ đạt mức an toàn khi sử dụng theo TCVN 10751:2015.
Theo tìm hiểu, nhà thầu được lựa chọn trúng thầu tại 2 gói thầu cung cấp bàn ghế học sinh cho các trường công lập thuộc tỉnh Lâm Đồng theo phương thức mua sắm tập trung do Sở Tài chính Lâm Đồng mời thầu trước đó là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Mạnh. Giá trị trúng thầu năm 2021 là 23,531 tỷ đồng; năm 2020 là 24,239 tỷ đồng.
Theo Nhà thầu, riêng TCVN 10751:2015, phải thử nghiệm 5 năm mới có kết quả, đồng nghĩa với việc sẽ có không ít nhà thầu mất đi cơ hội dự thầu. Mặt khác, dữ liệu được công bố trên cổng thông tin của Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam thể hiện: “thuốc bảo quản gỗ - phương pháp thử tại hiện trường xác định hiệu lực của thuốc bảo quản gỗ để sử dụng trong điều kiện có lớp phủ và không tiếp đất - phương pháp ghép mộng chữ L”. Như vậy, tiêu chuẩn trên chỉ áp dụng cho kết cấu lắp ghép gỗ độc lập mộng chữ L, còn đối với gỗ ghép thanh là mặt phẳng tấm không áp dụng tiêu chuẩn này. Do đó, Nhà thầu cho rằng, việc thêm vào HSMT các tiêu chuẩn đánh giá bất thường như trên không loại trừ khả năng định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu.
Phản hồi Nhà thầu ngày 25/10, Bên mời thầu khẳng định, việc HSMT đưa ra các tiêu chuẩn ISO, TCVN nhằm bảo đảm hàng hóa được lựa chọn là nhất quán, chất lượng tốt, an toàn đối với sức khỏe (đặc biệt là đối với trẻ em) và môi trường. “Sở Tài chính Lâm Đồng bảo lưu các tiêu chuẩn ISO, TCVN như trong HSMT đã được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”, Bên mời thầu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ngày 8/11, Bên mời thầu bất ngờ phê duyệt quyết định điều chỉnh HSMT theo hướng lược bỏ yêu cầu về tiêu chuẩn TCVN 10751:2015. Các nội dung khác tại HSMT được giữ nguyên. Thời điểm mở thầu được gia hạn từ ngày 4/11 sang ngày 17/11.
Một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, trong đấu thầu mua sắm hàng hóa, nội dung yêu cầu về kỹ thuật thường bao gồm thông số kỹ thuật của hàng hóa và nhóm các tiêu chuẩn. Đối với thông số kỹ thuật, HSMT càng quy định chi tiết sẽ càng bảo đảm, chứng minh được chất lượng của sản phẩm mời thầu. Đối với nhóm các tiêu chuẩn, trường hợp HSMT lạm dụng yêu cầu về chứng chỉ ISO, chứng nhận TCVN hoặc các dạng tiêu chuẩn tương đương trong đánh giá hàng hóa dự thầu rất dễ dẫn đến hạn chế cạnh tranh. “Đối với nhóm sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, chỉ cần yêu cầu tiêu chuẩn ISO 9001:2015, đồng thời có tài liệu chứng minh xuất xứ hàng hóa, còn công tác thí nghiệm, thử nghiệm vật liệu thuộc về quy trình sản xuất, không nên đưa vào bước đánh giá kỹ thuật hàng hóa dự thầu”, vị chuyên gia trên bình luận.