Gói thầu 95 tỷ đồng tại Đam Rông (Lâm Đồng): Đấu thầu lại, đề bài tăng cấp độ khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi phải hủy thầu “ngang” vào đầu tháng 3/2024 dù đã hoàn tất mở thầu với 3 nhà thầu tham dự, ngày 15/3/2024, Gói thầu số 04 Thi công xây dựng thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường liên xã Đạ R'sal - Đạ M'rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng được phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) lần 2.
Gói thầu số 04 Thi công xây dựng thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường liên xã Đạ R'sal - Đạ M'rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng có giá 95 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gói thầu số 04 Thi công xây dựng thuộc Dự án Đầu tư nâng cấp, mở rộng đường liên xã Đạ R'sal - Đạ M'rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng có giá 95 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Một số nhà thầu tiếp tục phản ánh, bên cạnh một số yếu tố hạn chế cạnh tranh như lần mời thầu trước đó, hồ sơ mời thầu (HSMT) thêm vào hàng loạt tiêu chí khó, gia tăng áp lực cho các nhà thầu tham dự.

Gói thầu trên có giá 95,002 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đam Rông làm Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu, đồng thời thẩm định HSMT.

Phản ánh đến Bên mời thầu, một số nhà thầu cho rằng, HSMT tiếp tục tồn tại rào cản gây khó cho việc tham dự thầu. Theo đó, về tổ chức mặt bằng công trường, HSMT yêu cầu nhà thầu bố trí cụ thể vị trí lán trại, kho bãi tập kết vật liệu. Trường hợp vị trí này thuộc sở hữu của nhà thầu thì phải đề xuất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đi thuê thì đề xuất hợp đồng nguyên tắc hoặc văn bản thỏa thuận với chủ sở hữu, kèm theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời phải có xác nhận của chính quyền địa phương chấp thuận vị trí mặt bằng tổ chức công trường này.

Phản đối nội dung trên, các nhà thầu lập luận, yêu cầu về “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với vị trí kho bãi trên địa bàn thi công Gói thầu” hoặc “xác nhận của chính quyền địa phương chấp thuận vị trí mặt bằng tổ chức công trường” đều là những thủ tục phức tạp, mang tính khu biệt, “địa phương hóa”, tạo lợi thế lớn cho các nhà thầu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. “Với trường hợp đi thuê, việc nhà thầu phải có hợp đồng nguyên tắc thuê mặt bằng công trường (trong thời hạn 18 tháng thực hiện hợp đồng) ngay tại thời điểm nộp hồ sơ dự thầu rất dễ gây thiệt hại về chi phí cho nhà thầu nếu không trúng thầu”, đại diện Công ty TNHH Tư vấn thiết kế công trình Đại Việt (Đà Nẵng) nêu quan điểm. Trước đó, tiêu chí bất cập này đã được Báo Đấu thầu phản ánh trong bài viết: “Gói thầu giao thông 95 tỷ đồng tại Đam Rông (Lâm Đồng): Nhà thầu nào sẽ vượt qua tiêu chí khó?” (số ra ngày 6/3/2024).

Theo phản ánh, lý do được Bên mời thầu đưa ra tại quyết định hủy thầu lần 1 là do thay đổi áp dụng quy định mới về phương thức lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu 2023 (từ hai túi hồ sơ thành một túi hồ sơ). Trong lần thứ 2 mời thầu, HSMT gia tăng độ khó khi thêm vào nhiều tiêu chí phức tạp. Cụ thể, về thiết bị, HSMT yêu cầu máy đào 1,4 - 16 m3 (từ 2 chiếc lên 5 chiếc); máy đào 0,8 m3 (từ 1 chiếc lên 2 chiếc); lu bánh thép 10T (từ 1 chiếc lên 2 chiếc); đồng thời thêm yêu cầu về lu lốp 25 tấn (1 chiếc).

Về nhân sự, đối với các vị trí: phụ trách quản lý khối lượng và giá; phụ trách quản lý an toàn lao động - vệ sinh môi trường; phụ trách hồ sơ thanh, quyết toán; phụ trách kiểm soát vật liệu xây dựng; phụ trách trắc địa, HSMT yêu cầu từng nhà thầu, thành viên liên danh đều phải đề xuất nhân sự chủ chốt đáp ứng yêu cầu này. “Chính vì không đủ năng lực về nhân sự, thiết bị, kỹ thuật để dự thầu với tư cách nhà thầu độc lập, nên chúng tôi mới liên danh dự thầu để bổ sung, bù đắp năng lực giữa các thành viên. Quy định như tại HSMT liệu có làm khó các nhà thầu liên danh?”, một nhà thầu băn khoăn.

Ngoài ra, HSMT còn yêu cầu “trạm trộn bê tông nhựa có giấy chứng nhận hợp chuẩn, có giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy kiểm định trạm”. Qua khảo sát, nhà thầu phản ánh, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện có rất ít trạm trộn bê tông nhựa có chứng nhận hợp chuẩn. Mặt khác, các vật liệu trước khi đưa vào công trình sẽ phải kiểm định, thí nghiệm lại chất lượng, do đó không nhất thiết phải đưa ra yêu cầu trạm trộn có chứng nhận hợp chuẩn đối với vật tư bê tông nhựa nóng, gây khó khăn cho các nhà thầu trong quá trình lựa chọn nguồn cung cấp.

Để làm rõ các phản ánh của nhà thầu, phóng viên Báo Đấu thầu đã nhiều lần liên hệ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đam Rông theo số điện thoại đăng ký trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, song không thể kết nối.

Một chuyên gia đấu thầu nhận định, phản ánh của các nhà thầu là có cơ sở, bởi việc yêu cầu nhà thầu xin xác nhận của chính quyền địa phương ngay tại thời điểm dự thầu là rủi ro, bất khả thi. Liên quan đến yêu cầu về nhân sự, thiết bị, chuyên gia này cho rằng, trường hợp dự toán/giá gói thầu không thay đổi, HSMT lại tăng thêm định mức ca máy, nhân công so với lần mời thầu trước đó, thì Bên mời thầu cần nghiêm túc rà soát, xem xét lại căn cứ lập định mức, dự toán, khâu thẩm định giá và phúc đáp nhà thầu trong thời hạn quy định nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong đấu thầu.

Dự kiến, Gói thầu sẽ được mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật vào 9 giờ ngày 9/4/2024. Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu gói thầu trên.

Chuyên đề