Gói thầu 16 tỷ nâng cấp trường học tại Khánh Hòa: “Ma trận” bản vẽ kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh có giá dự toán 16,211 tỷ đồng ngay khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu đã vấp phải kiến nghị của nhà thầu. Nhà thầu cho rằng, Bên mời thầu cố tình “vạch lá tìm sâu” để loại bằng được nhà thầu. Chủ đầu tư đang yêu cầu đơn vị tư vấn rà soát diễn tiến chọn thầu.
Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã lựa chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã lựa chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa vừa công bố Liên danh Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Hoàn Hiển - Công ty TNHH Xây dựng và Xúc tiến thương mại Hòa Phát trúng gói thầu trên với giá 16,189 tỷ đồng (giảm 22 triệu đồng so với giá gói thầu); thời gian thực hiện hợp đồng 360 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Hai nhà thầu bị loại do không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gồm: Liên danh Công ty CP Tư vấn và Xây dựng CIC - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phát Đạt (giá dự thầu 14,027 tỷ đồng) và Liên danh Công ty CP Tư vấn xây dựng T.A.L - Công ty TNHH THT - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ phòng cháy chữa cháy 316 (giá dự thầu 14,161 tỷ đồng).

Trong đó, Liên danh CIC - Phát Đạt không có bản vẽ giải pháp kỹ thuật cho các hạng mục: nhà đa năng, bếp - nhà ăn, nhà hành chính (không có bản vẽ công tác lợp ngói); xưởng thực hành điện công nghiệp (không có bản vẽ công tác lắp dựng, cốt thép cầu thang); không có bản vẽ giải pháp đối với toàn bộ các hạng mục: trụ cờ, cửa cổng trường, lắp dựng mái nhà xe giáo viên, hệ thống cấp điện ngoài nhà… Nhà thầu không có thuyết minh và bản vẽ giải pháp kỹ thuật cho các hạng mục bảng tên trường, hầm vệ sinh…

Ngay sau khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, Công ty CP Tư vấn và Xây dựng CIC đã có văn bản kiến nghị và cho rằng, các kết luận đánh giá về kỹ thuật của Bên mời thầu mang tính tiêu cực và có yếu tố bất thường.

“Tiêu chí của hồ sơ mời thầu (HSMT) không liệt kê cụ thể danh mục các công việc bắt buộc thể hiện. Việc hồ sơ dự thầu (HSDT) phải có bản vẽ giải pháp kỹ thuật hơn 1.600 đầu mục công việc là không khả thi, không hợp lý. Phần bản vẽ biện pháp kỹ thuật của chúng tôi đã thể hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật cho các công tác chính thuộc tất cả các hạng mục trong Gói thầu, bao gồm gần 40 bản vẽ: tổng mặt bằng bố trí thi công, biện pháp trắc đạc, mốc công trình, thi công đào móng, thi công coffa, thép, bê tông móng, lấp đất hố móng… Mặt khác, về biện pháp thi công ván khuôn, cốt thép cầu thang thuộc hạng mục xưởng thực hành điện công nghiệp tương tự như biện pháp thi công ván khuôn, cốt thép dầm sàn. Bản vẽ này đã được Nhà thầu trình bày cụ thể tại hạng mục chính”, Nhà thầu CIC cho biết.

Theo dữ liệu của Báo Đầu thầu, cả 2 thành viên Liên danh trúng thầu đều từng trúng nhiều gói thầu tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa như: Gói thầu Xây dựng một số hạng mục thuộc Dự án Trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tỉnh Khánh Hòa (trúng thầu tháng 11/2018 với giá 25,799 tỷ đồng); Gói thầu số 15 Xây dựng các hạng mục cùng thuộc dự án trên (trúng thầu tháng 12/2019 với giá 16,79 tỷ đồng).

Về việc kết luận Nhà thầu không có thuyết minh và bản vẽ giải pháp kỹ thuật cho hạng mục bảng tên trường, hầm vệ sinh, lợp ngói, trụ cờ, cửa cổng trường, lắp dựng mái nhà xe giáo viên…, Nhà thầu cho rằng đã được trình bày tại các hạng mục chính.

Bên cạnh đó, trong các nội dung của bảng tiến độ thi công, khâu lập HSDT của Nhà thầu để xảy ra một số sai sót về đánh máy, Nhà thầu CIC cho rằng không ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ chung. Tuy nhiên, Bên mời thầu không xếp các sai sót này vào trường hợp “sai sót không nghiêm trọng”, dẫn tới dù có đủ năng lực, kinh nghiệm, giá cạnh tranh, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước nhưng Liên danh CIC – Phát Đạt vẫn bị loại.

Để có thông tin khách quan, phóng viên Báo Đấu thầu đã nhiều lần liên hệ với Công ty CP Quản lý dự án và Chi phí đầu tư - AFO (đơn vị tư vấn đấu thầu) nhưng không thành công.

Ngày 19/12/2023, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Chủ đầu tư cho biết, do phát sinh kiến nghị nên Chủ đầu tư đang yêu cầu đơn vị tư vấn đấu thầu rà soát để báo cáo và có cơ sở trả lời kiến nghị của nhà thầu.

Một số chuyên gia đấu thầu cho rằng, đây là gói thầu xây dựng dân dụng đơn giản, nếu HSMT không liệt kê danh mục công việc bắt buộc nhưng khi đánh giá lại yêu cầu nhà thầu phải có bản vẽ cho tất cả các đầu mục công việc có thể gây khó khăn cho nhà thầu. Thời gian 10 ngày lập HSDT chỉ đủ cho nhà thầu lập bản vẽ cho các hạng mục chính, chuẩn bị các tài liệu khác. Bên cạnh đó, nếu đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm, có đề xuất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu và giá cạnh tranh, cần có sự lựa chọn công bằng để phát huy hiệu quả công tác đấu thầu.

Chuyên đề