Gỡ vướng thể chế, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, tiến độ của nhiều dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn Tỉnh bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo đó, một trong những biện pháp để gỡ “nút thắt” này là tập trung nghiên cứu, sửa đổi, gỡ vướng quy định trong lĩnh vực đất đai.
Ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên

Ông Đặng Ngọc Anh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên

Hiện nay, bất cập trong việc định giá đất ở đang là nguyên nhân gây cản trở lớn nhất đến công tác đền bù GPMB. Cụ thể, khi thực hiện định giá đất ở và tài sản gắn liền với đất bị Nhà nước thu hồi, thì cơ sở định giá dựa vào bảng giá đất 5 năm theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết giá đất đền bù thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Bên cạnh đó, đối với tài sản hình thành trên đất, việc định giá còn phải tính đến khấu hao trong thời gian sử dụng, dẫn tới giá trị được chi trả đền bù thường không đủ để hình thành lại tài sản mới có công năng tương tự. Từ đó, các chủ thể hưởng bồi thường không đồng thuận, chấp nhận, làm kéo dài tiến độ GPMB. Để giảm thiểu tình trạng này, theo tôi, cần nghiên cứu cơ chế xác định ngang giá, nhất là đối với tài sản trên đất.

Bên cạnh đó là bất cập trong quy định về giao đất để thực hiện dự án. Theo pháp luật về xây dựng, một trong những điều kiện để khởi công công trình đó là có mặt bằng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ thi công. Trong khi đó, pháp luật về đất đai không có quy định được phép giao đất toàn bộ hoặc từng phần theo tình hình GPMB. Như vậy, trường hợp nếu tiến hành thi công khi chưa được bàn giao toàn bộ mặt bằng thì sẽ vi phạm quy định của pháp luật về xây dựng. Do đó, cần có quy định cho phép bồi thường, GPMB theo từng phần, tạo điều kiện đảm bảo tiến độ các dự án.

Ngoài ra, liên quan đến thủ tục thu hồi trong dự án có sử dụng đất trồng lúa, Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định, khi xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước thì phải bóc riêng tầng đất mặt để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, đồng thời, phải xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt này cho các công tác san lấp, cải tạo vị trí khác... Phương án này là thành phần bắt buộc trong hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án. Tuy nhiên, việc lập phương án này thường gặp khó khăn, do đa phần các cánh đồng lúa đã được hình thành ổn định, không còn nhu cầu cải tạo, san lấp. Từ đó, gây khó khăn cho công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất trên địa bàn.

Chuyên đề