Trong 3 nội dung được Bộ Y tế hướng dẫn có nội dung về xây dựng giá kế hoạch trong mua sắm vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Huấn Anh |
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế mới đây đã có công văn hướng dẫn các đơn vị có thẩm quyền thực hiện đấu thầu mua sắm nhằm bảo đảm cung ứng các mặt hàng này, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.
Một trong những địa phương lâm vào thực trạng trên có thể kể đến Quảng Ninh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh cho biết, có những thời điểm, đơn vị thiếu sinh phẩm để xét nghiệm SARS-CoV-2. Một số đoàn chuyên gia hết thời hạn cách ly 14 ngày nhưng phải đợi nhiều ngày sau mới có hóa chất để xét nghiệm lần cuối trước khi rời khu cách ly. Dù có quyết định chỉ định thầu mua sắm trước đó, tuy nhiên, quy trình này cũng mất nhiều thời gian, không thể đáp ứng tình trạng khẩn cấp của công tác phòng chống dịch.
Bên cạnh Quảng Ninh, nhiều địa phương, đơn vị trên cả nước cũng gặp khó khăn tương tự. Một trong những nguyên nhân có thể kể đến là do nguồn cung ứng hạn chế, không có thông tin tham khảo về giá. Thực trạng này đặt ra yêu cầu về việc thay đổi quy trình mua sắm trong thời điểm “đánh giặc” Covid-19.
Theo đó, trong công văn mới nhất, Bộ Y tế hướng dẫn 3 nội dung. Thứ nhất là hướng dẫn về trách nhiệm, thẩm quyền quyết định mua sắm. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo bảo đảm mua sắm vật tư, thiết bị phòng chống dịch kịp thời; ngành y tế các địa phương bám sát tình hình, chủ động chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cho phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ: “dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ”. Trường hợp dịch xảy ra nhưng đơn vị, địa phương có khó khăn, chưa có đủ trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, đề nghị báo cáo Bộ Y tế để xem xét, hỗ trợ theo khả năng.
Thứ hai là hướng dẫn về hình thức mua sắm. Ngoài các hình thức mua sắm như đấu thầu rộng rãi, hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức chỉ định thầu trong tình huống cấp bách để phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, Công văn của Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, tại Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 30/1/2021 của Văn phòng Chính phủ đã nêu rõ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Về việc mua sắm vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch trong trường hợp khẩn cấp: đồng ý cho vận dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu…”
Thứ ba là hướng dẫn về xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu mua sắm. Thực hiện theo quy định tại Thông tư 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính. Theo đó, các tài liệu căn cứ gồm: (1) Giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu. Trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn, có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 3 báo giá; (2) Dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; (3) Kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp thẩm định giá; (4) Giá thị trường tại thời điểm mua sắm do nhà cung cấp thông tin chính thống; (5) Giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày. Như vậy, các địa phương có thể căn cứ vào một hoặc nhiều tài liệu khác nhau để xây dựng giá kế hoạch.
Bên cạnh hoàn thiện về cơ chế chính sách, thì đến nay, năng lực cung ứng vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng tăng lên do các doanh nghiệp trong nước đáp ứng điều kiện sản xuất với số lượng lớn. Điều đó cũng góp phần gỡ vướng sự thiếu hụt trong đấu thầu mua sắm các mặt hàng này.