Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn, cần tăng tốc thực hiện các giải pháp hỗ trợ. Ảnh: Nhã Chi |
Chia sẻ tại Hội thảo hướng dẫn triển khai Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (NĐ80), Thông tư số 06/2022/TT-BTC (TT06) hướng dẫn một số điều của NĐ80, Thông tư số 52/2023/TT-BTC (TT52) hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ DNNVV theo quy định tại NĐ80 được tổ chức mới đây, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Sóc Trăng cho biết, Sở gặp khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu tư vấn cung cấp dịch vụ đào tạo hỗ trợ DNNVV. Cụ thể là khó khăn trong việc xác định khi nào thì phải đấu thầu và khi nào không thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn hỗ trợ DNNVV.
Đại diện Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế băn khoăn, trong kinh phí đối với hoạt động đào tạo có 30% kinh phí huy động từ các học viên, 70% kinh phí từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Trong quá trình mời thầu, hồ sơ mời thầu (HSMT) nêu rõ, nhà thầu phải có trách nhiệm thu từ học viên theo quy định tại NĐ80. Khi trúng thầu, chủ đầu tư chỉ ký hợp đồng với nhà thầu phần giá trị công việc tương ứng với kinh phí huy động từ ngân sách, như vậy có phù hợp với NĐ80 và Luật Đấu thầu không?
Hướng dẫn cho các địa phương, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu cho biết, việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) cung cấp dịch vụ tư vấn đào tạo hỗ trợ DNNVV được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Đấu thầu, trước khi đấu thầu, đơn vị phải lập KHLCNT, căn cứ lập là phải có quyết định dự toán được duyệt. Khi KHLCNT được phê duyệt, Bên mời thầu mới tổ chức đấu thầu cung cấp dịch vụ.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, bên mời thầu mời thầu toàn bộ công việc của gói thầu (tương ứng với tổng giá trị gói thầu) theo hồ sơ mời thầu, KHLCNT được phê duyệt. Khi ký hợp đồng thực hiện, giá trúng thầu cũng phải bao gồm toàn bộ công việc của gói thầu.
Liên quan đến nhà thầu tham dự gói thầu cung cấp dịch vụ đào tạo hỗ trợ DNNVV, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Gia Lai đặt câu hỏi, liệu có phương án nào để các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo của Sở có thể tham gia trực tiếp vào quá trình cung cấp dịch vụ đào tạo hỗ trợ DNNVV không? Lý do là, Sở hiện có 2 đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ này, nhưng để bảo đảm cạnh tranh, minh bạch, 2 đơn vị này không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ.
Giải đáp thắc mắc trên, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng DNNVV thuộc Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) cho biết, Điều 32 NĐ80 và Điều 5 TT06 hướng dẫn có 2 hình thức để triển khai hỗ trợ DNNVV, bao gồm: trường hợp cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV có khả năng cung cấp trực tiếp sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV; trường hợp cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cho DNNVV.
Theo đó, nếu các đơn vị của Sở KH&CN có khả năng trực tiếp triển khai các hoạt động hỗ trợ thì dùng kinh phí được giao để hỗ trợ, không phải đấu thầu. Trường hợp đơn vị không có khả năng trực tiếp triển khai mới phải đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ. Khi đó, hợp đồng ký kết là hợp đồng 3 bên.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp) đã giải đáp băn khoăn của đại diện Sở KH&ĐT Bắc Giang về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho DNNVV có quy mô khác nhau; vướng mắc của Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế về cách xử lý trong trường hợp nhà thầu cung cấp dịch vụ đào tạo hỗ trợ lại phần kinh phí huy động cho học viên khi kết thúc hợp đồng...
Về việc TT52 hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên để thực hiện các nội dung hỗ trợ DNNVV theo quy định tại NĐ80 sẽ có hiệu lực vào ngày 23/9/2023, đại diện Cục PTDN lưu ý, thời gian từ khi Thông tư có hiệu lực tới cuối năm là không nhiều, các địa phương phải chủ động, nhanh chóng lựa chọn những hoạt động phù hợp để triển khai hỗ trợ DNNVV, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng vượt qua khó khăn và phục hồi.