Gỡ “nút thắt” pháp lý, khơi thông động lực cho DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 4 tháng đầu năm 2024 có tới hơn 86,4 nghìn doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn DN). Nhiều “nút thắt” pháp lý trong thời gian dài không được giải quyết vẫn là khó khăn hiện hữu, cần xử lý dứt điểm.
Khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính, vướng mắc pháp lý ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính, vướng mắc pháp lý ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng như nắm bắt cơ hội kinh doanh. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Đình trệ vì vướng pháp lý

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Trung Hoàng, thành viên HĐQT Công ty CP NTF Hoàng Phát cho biết, Dự án BT Tạo mặt bằng khu trung tâm hành chính và quảng trường tỉnh Sơn La đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2019 nhưng đến nay Nhà đầu tư vẫn chưa được thanh toán. Nhà đầu tư nhiều lần có văn bản “cầu cứu” chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tháo gỡ nhưng chưa có kết quả cụ thể.

Về nguyên nhân, theo đại diện Nhà đầu tư, loại hợp đồng BT đã bị “khai tử”, trong khi Nghị định số 69/2019/NĐ-CP quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) lại thiếu hướng dẫn cụ thể.

Theo ông Hoàng, ở địa phương, cơ quan quản lý cũng rất muốn tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, nhưng do quy định pháp luật về thanh toán thiếu hướng dẫn rõ ràng nên cán bộ cơ quan thực thi không dám thực hiện. Tại Nghị định số 69/2019/NĐ-CP, Chính phủ hướng dẫn: “Trường hợp tổng giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn tổng giá trị dự án BT thì Nhà nước thanh toán số chênh lệch bằng tiền hoặc bằng quỹ đất cho nhà đầu tư”. Tuy nhiên, Nghị định không hướng dẫn khi thanh toán bằng tiền thì ghi nguồn như thế nào, lấy từ đâu, cách thanh toán ra sao, thanh toán lãi ngân hàng thế nào, thời điểm trả lãi…

Ngày 14/5/2024, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) có văn bản gửi cơ quan chức năng, trong đó cho biết, hiện một số DN thành viên của VASEP đang gặp khó khăn, vướng mắc kéo dài trong thực hiện các dự án. Điển hình, Công ty TNHH Hải Nam (Bình Thuận) có 2 dự án, trong đó, 1 dự án (xây dựng nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu) được đầu tư từ năm 1993 gặp khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn khi hết thời hạn sử dụng đất, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất kinh doanh; 1 dự án làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư để mở rộng đầu tư cũng mất nhiều thời gian chờ đợi…

Báo cáo thẩm tra bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra khó khăn của các DN khi đang đối mặt với vướng mắc về vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC). “Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, quy chuẩn về PCCC quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ là quá cao, chưa phù hợp, làm tăng chi phí cho DN”, Báo cáo cho biết.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, vướng mắc về pháp lý là những “nút thắt” gây khó khăn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN. Đây có thể là nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN 4 tháng đầu năm nay thêm khó khăn, bởi theo số liệu cập nhật của cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, 4 tháng qua có tới hơn 86,4 nghìn DN rút lui khỏi thị trường, cao hơn số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường (81,3 nghìn DN).

Cần hành động mạnh để tháo gỡ

Theo bà Thảo, khó khăn, vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN không phải là vấn đề mới được nhận diện mà đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tập trung tháo gỡ từ lâu và liên tục được nhấn mạnh tại Nghị quyết số 02 cũng như Nghị quyết 01 của Chính phủ hàng năm, gần đây nhất là Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 về tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các bộ, ngành và địa phương phục vụ người dân, DN. Nhưng thực tế vẫn không có chuyển biến, việc tháo gỡ còn chậm trễ.

“Có những vướng mắc rất đơn giản, được nêu ra từ hết hội thảo này đến hội thảo khác, nhưng hành động tháo gỡ rất chậm. Thậm chí, một số cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng hướng dẫn còn chưa có kế hoạch hành động hoặc lúng túng trong việc tìm giải pháp phù hợp”, bà Thảo nêu nguyên nhân.

Liên quan đến vấn đề này, trong một chia sẻ gần đây, TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế chỉ ra, khoảng 1 - 2 năm gần đây, những hoạt động cải cách thể chế, cải cách môi trường kinh doanh có dấu hiệu chậm lại; thậm chí có những lĩnh vực có thêm những thủ tục không cần thiết gây khó khăn, thậm chí rủi ro cho DN.

Với thực trạng đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải tiếp tục hành động mạnh mẽ, thực chất hơn trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là vướng mắc về pháp lý, để đáp ứng được mong mỏi của nhà đầu tư trong và ngoài nước trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh.

“Việc gia nhập thị trường cần phải được hiểu không đơn giản chỉ là việc đăng ký kinh doanh, mà còn liên quan đến các thủ tục khác về đất đai, xây dựng, PCCC…”, ông Bình nhấn mạnh. Theo chuyên gia này, thực tế, việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng, PCCC… gặp nhiều khó khăn nên có không ít DN đã thực hiện xong thủ tục đăng ký thành lập nhưng vẫn phải rút lui khỏi thị trường. Đây là điều rất đáng suy ngẫm.

Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động chính sách cụ thể đối với quy định TTHC; khẩn trương rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực được giao, nhất là TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở xã hội, tín dụng, tài nguyên khoáng sản…, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư