Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản: Càng chậm, càng gian nan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp bất động sản chia sẻ, những ách tắc pháp lý kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, khiến một lượng vốn lớn bị chôn cùng dự án. Ngoài việc khơi thông dòng vốn, việc giải quyết tận gốc, kích hoạt được các dự án ách tắc là chìa khóa gỡ vướng cho doanh nghiệp BĐS, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề lệch pha cung - cầu hiện nay.
Thị trường bất động sản lệch pha cung - cầu do cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, thiếu dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Thị trường bất động sản lệch pha cung - cầu do cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn, thiếu dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Cần giải pháp xử lý kịp thời

Nhận định về những khó khăn của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chỉ ra, thị trường, doanh nghiệp BĐS tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 rất lớn (trên 100 nghìn tỷ đồng). Đây là vấn đề cần xử lý kịp thời, không để tắc nghẽn dòng vốn, ảnh hưởng tới các ngành, lĩnh vực kinh tế khác…

Bộ KH&ĐT cho rằng, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần xác định chính xác tình hình hoạt động, tài chính và quan hệ liên kết của từng doanh nghiệp BĐS; mức độ lệch pha cung - cầu các sản phẩm BĐS; đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng ảnh hưởng của thị trường BĐS đối với tăng trưởng kinh tế, thị trường tài chính, các ngành, lĩnh vực liên quan. Phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời, nhưng cũng cần thận trọng trước các diễn biến có thể xảy ra, bởi một sự kiện phát sinh có thể ảnh hưởng dây chuyền đến nền kinh tế.

Bộ KH&ĐT dẫn ra bài học kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính năm 2008 cho thấy, Mỹ để thị trường tự điều tiết, dẫn đến sự phá sản của một trong các ngân hàng lớn nhất, tác động đến toàn bộ hệ thống tài chính và nền kinh tế Mỹ, kéo theo nhiều biện pháp can thiệp trực tiếp vào các ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất liên quan. Tương tự, Trung Quốc đã phải áp dụng nhiều chính sách để ổn định lại thị trường BĐS thời gian qua.

Trong thông tin vừa gửi cho báo chí, Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho rằng, những khó khăn của thị trường BĐS nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra những tình huống nghiêm trọng, thậm chí gây tê liệt toàn bộ nền kinh tế.

Tại Hà Nội, TP.HCM gần như vắng bóng các dự án nhà ở có giá phù hợp với nhu cầu người dân. Ảnh: Lê Tiên

Tại Hà Nội, TP.HCM gần như vắng bóng các dự án nhà ở có giá phù hợp với nhu cầu người dân. Ảnh: Lê Tiên

Tháo gỡ pháp lý là chìa khóa

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp BĐS.

Theo thống kê sơ bộ của VARS, có cả nghìn dự án BĐS đang triển khai trên cả nước phải tạm dừng, với giá trị đầu tư khoảng 800 nghìn tỷ đồng, bao gồm những dự án phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, tương đương hơn 20% so với năm 2018. Quý IV/ 2022, nguồn cung sụt giảm kỷ lục với gần 7.000 sản phẩm. Trong khi đó, thị trường hiện không có chính sách để hạn chế sản phẩm, dự án cao cấp, ngược lại cũng không có chính sách phát triển nhà ở bình dân, nhà ở xã hội khiến cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn. Theo VARS, cơ cấu sản phẩm BĐS bình dân giảm dần từ gần 19% (năm 2019) xuống còn 4% trong năm 2022. Tại Hà Nội, TP.HCM gần như vắng bóng các dự án nhà ở có giá phù hợp với nhu cầu người dân.

Áp lực nhiều chiều của doanh nghiệp bất động sản

Giữa tháng 2/2023, 54 tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã thông báo chậm trả lãi, làm dấy lên lo ngại về khả năng thanh khoản. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hệ số thanh toán hiện thời và hệ số thanh toán lãi vay của các doanh nghiệp BĐS niêm yết hiện đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất của giai đoạn 2011 - 2013, điều này cho thấy khả năng xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán cao như năm 2011.

VNDirect ước tính, có khoảng 37.642 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của khối doanh nghiệp BĐS sẽ đáo hạn trong quý II/2023 và 65.905 tỷ đồng nữa đáo hạn trong nửa cuối 2023. Nếu không có giải pháp kịp thời, sẽ khó tránh khỏi tình trạng ngày càng gia tăng số doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán nợ và đối diện nguy cơ mất khả năng thanh khoản, trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu nợ, tiếp cận nguồn vốn khó khăn và bán hàng ảm đạm.

VARS cho rằng, giải pháp nguồn vốn cho thị trường BĐS không phải là dùng tiền ngân sách để gỡ khó, mà là đưa ra các định hướng, cơ chế, chính sách phù hợp để khai thông thị trường, hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ người lao động, người dân. Việc rà soát và tháo gỡ pháp lý cho các dự án BĐS sẽ đồng thời hỗ trợ sự khôi phục của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng BĐS - hai kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp phát triển dự án. Cần rà soát, phân loại các dự án theo tính chất và tiến độ triển khai để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, để việc "giải cứu" hiệu quả, “đúng nơi, đúng đối tượng”.

Đối với doanh nghiệp, theo VARS, Nhà nước hỗ trợ về cơ chế để tái cơ cấu hàng hóa, thể hiện qua việc cho phép điều chỉnh dự án hoặc một phần dự án (trong giai đoạn đang làm thủ tục đầu tư) sang phân khúc phù hợp với nhu cầu thị trường. Cần trao cơ hội để doanh nghiệp tự tháo gỡ, tạo ra nguồn cung phù hợp, để người dân được mua nhà với giá hợp lý.

Bộ KH&ĐT cũng khuyến nghị Bộ Xây dựng cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá đầy đủ tình hình hoạt động, tài chính, khả năng trả nợ trái phiếu của doanh nghiệp BĐS; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án BĐS cụ thể…

Về nguồn vốn tín dụng, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần sớm thúc đẩy việc triển khai gói tín dụng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay ưu đãi cả với chủ đầu tư và người mua nhà để tăng cung về nhà ở xã hội, tạo giao dịch, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể liên quan trong hệ sinh thái BĐS...

Chuyên đề