Gỡ rào cản, thúc đẩy đầu tư nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Xây dựng, năm 2024 không hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội. Cùng với đó, gói tín dụng của chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội mới giải ngân được rất ít. Với kết quả đạt được, cần có những đột phá, đẩy nhanh công tác đầu tư nhà ở xã hội để đạt mục tiêu năm 2025 và Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Từ năm 2021 đến nay, trên cả nước có 96 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành với quy mô 57.652 căn. Ảnh: Lê Tiên
Từ năm 2021 đến nay, trên cả nước có 96 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành với quy mô 57.652 căn. Ảnh: Lê Tiên

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 ngành xây dựng, qua tổng hợp các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên cả nước có 644 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 580.109 căn, trong đó có 96 dự án hoàn thành với quy mô 57.652 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 133 dự án với quy mô 110.217 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 415 dự án với quy mô 412.240 căn. Bộ Xây dựng nhận định, chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 đã không hoàn thành.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay mới có 36 UBND tỉnh có văn bản, công bố dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Theo đó, có 16 dự án đã ký hợp đồng tín dụng cho vay theo Chương trình với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.727 tỷ đồng.

Thông tin tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Xây dựng một số địa phương cho biết, thời gian qua, thông qua xúc tiến đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng và đăng ký thực hiện nhà ở xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn liên quan đến việc hướng dẫn xây dựng khung giá cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công; khung giá cho thuê nhà ở công nhân; việc lập và quản lý chi phí, phương pháp xác định đơn giá quản lý vận hành, giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật…

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Lê Thành, doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội chia sẻ, dù các quy định mới có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề không khuyến khích nhà đầu tư. Thứ nhất, lợi nhuận giới hạn ở mức 10% là quá thấp trong khi thời gian thực hiện thủ tục, đầu tư dự án dài, không đủ để tái đầu tư. Thứ hai, thủ tục xin làm nhà ở xã hội vẫn còn phức tạp. Thứ ba, khâu hậu kiểm về giá bán, thanh tra, kiểm tra khiến doanh nghiệp gặp nhiều áp lực, dẫn đến không ít doanh nghiệp sau khi thực hiện một dự án nhà ở xã hội là không muốn tiếp tục đầu tư dự án mới. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, những chính sách ưu đãi mới hiện tại chủ yếu mang lại lợi ích cho người dân, trong khi doanh nghiệp vẫn còn chịu nhiều gánh nặng, cần điều chỉnh chính sách hấp dẫn hơn để thu hút nhà đầu tư thực hiện loại dự án này.

Căn cứ số liệu các địa phương đăng ký, năm 2025 dự kiến cả nước sẽ hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội. Ảnh: Nhã Chi

Căn cứ số liệu các địa phương đăng ký, năm 2025 dự kiến cả nước sẽ hoàn thành

trên 100.000 căn nhà ở xã hội. Ảnh: Nhã Chi

Một số ý kiến khác nhấn mạnh vấn đề địa phương bố trí quỹ đất ở vị trí phù hợp quyết định tính hiệu quả của chương trình. Nhiều nhà ở xã hội đã xây, nhưng vị trí không phù hợp, người ở khó ổn định cuộc sống, công việc, dẫn đến khó bán, nơi thừa vẫn thừa nơi thiếu vẫn thiếu. Bên cạnh đó là vấn đề lãi suất cho vay chưa đủ hấp dẫn.

Tại một tọa đàm gần đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản nhận định, cách ứng xử của chính quyền một số địa phương khiến doanh nghiệp khi tiếp cận, triển khai dự án vẫn bị rào cản hoặc quy định, quy trình hướng dẫn thực hiện làm lúng túng. Ông Đính kiến nghị, Chính phủ cần quy định mạnh hơn, coi phát triển nhà ở xã hội là một chỉ tiêu bắt buộc, trách nhiệm phải thực hiện của địa phương. Giải pháp trước mắt là đẩy mạnh vai trò của chính quyền địa phương trong thực thi chính sách, nhưng về lâu dài điều cần nhất là Nhà nước bố trí đất, bố trí vốn thông qua các quỹ đầu tư để chính quyền địa phương chủ động phát triển nhà ở xã hội, nếu sử dụng tín dụng không thể có vốn rẻ.

Bộ Xây dựng cho biết, năm 2025, căn cứ số liệu các địa phương đăng ký, dự kiến cả nước sẽ hoàn thành trên 100.000 căn nhà ở xã hội.

Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai nhà ở xã hội, mới đây Thủ tướng đã có công điện nêu rõ nhiều nhiệm vụ. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được giao cùng các bộ, ngành đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần nhanh chóng lập danh mục dự án đủ điều kiện vay gói tín dụng này. Thủ tướng cũng yêu cầu cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển và người dân được tiếp cận nhà xã hội. Việc lựa chọn nhà đầu tư cũng cần rút gọn thủ tục, bảo đảm nhanh chóng, công khai. Bộ Xây dựng được giao rà soát, chỉ đạo địa phương bố trí quỹ đất để phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân và tăng thanh tra, xử lý vi phạm liên quan…

Chuyên đề