Gỡ khó cho các dự án điện gió từ chính sách giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơ chế giá mua điện cố định (cơ chế FIT) đối với dự án điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg đã hết hiệu lực kể từ ngày 1/11/2021 và hiện chưa có cơ chế giá mua điện cho các dự án điện gió trong thời kỳ tiếp theo. Khoảng trống chính sách từ tháng 11/2021 đến nay đã gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, thậm chí khiến một số dự án đã và đang triển khai đầu tư có nguy cơ dừng hoạt động, phá sản.
Ông Hoàng Ngọc Quy, Tổng giám đốc HBRE

Ông Hoàng Ngọc Quy, Tổng giám đốc HBRE

Vừa qua, Bộ Công Thương có Tờ trình số 1513/TT-BCT ngày 24/3/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời với thời hạn đến hết năm 2025, sau đó thực hiện đấu thầu theo quy định do Thủ tướng và/hoặc Bộ Công Thương ban hành.

Bên cạnh đó, các dự án chỉ được huy động công suất theo nhu cầu của hệ thống mà không phải là cam kết mua toàn bộ sản lượng sản xuất ra, giá xác định bằng đồng VN…., qua đó chủ đầu tư các dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực (EVN) sẽ phải thỏa thuận lại PPA.

Trong cơ cấu vốn cho một dự án điện gió, vốn vay ngân hàng khoảng 80%, nhưng với dự thảo cơ chế đấu thầu mua điện mà Bộ Công Thương đang đề xuất xây dựng, không cam kết bao tiêu sản lượng điện, huy động theo nhu cầu của EVN… thì nhiều khả năng các ngân hàng sẽ siết tài trợ vốn.

Vì vậy, kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần xem xét, tính toán phù hợp với thực tiễn đầu tư nhà máy điện gió hiện nay để có cơ chế mua điện phù hợp, cũng như bao tiêu toàn bộ sản lượng điện phù hợp với khả năng giải tỏa công suất lưới điện để tránh lãng phí nguồn lực xã hội. Không những vậy, thời hạn PPA nên giữ 20 năm để chủ đầu tư, ngân hàng có cơ sở tính toán hiệu quả kinh tế - tài chính, từ đó tăng tính khả thi để các dự án “lỡ hẹn” giá FIT được triển khai đầu tư, vận hành theo quy hoạch đề ra.

Chuyên đề