Gỡ bỏ rào cản cho mua sắm tập trung

(BĐT) - Mua sắm tập trung (MSTT) đã trực tiếp góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chặt chẽ, hạn chế được tình trạng mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức, chống lãng phí. Tuy vậy, trong thực tế, vẫn còn không ít rào cản cả vô hình lẫn hữu hình phần nào hạn chế hiệu ứng tích cực của MSTT.
Rào cản lớn nhất đối với công tác mua sắm tập trung hiện nay chính là chưa nhận được sự đồng thuận từ một số đơn vị sử dụng tài sản. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Rào cản lớn nhất đối với công tác mua sắm tập trung hiện nay chính là chưa nhận được sự đồng thuận từ một số đơn vị sử dụng tài sản. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Vẫn còn nhiều rào cản

MSTT là cách thức mà không phải địa phương, bộ, ngành nào cũng áp dụng triệt để, đồng bộ. Quá trình thực hiện của nhiều đơn vị MSTT, các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản và các nhà thầu còn lúng túng, đặc biệt là khâu đăng ký nhu cầu, tổng hợp nhu cầu mua sắm.

Rào cản lớn nhất đối với công tác MSTT hiện nay chính là chưa nhận được sự đồng thuận từ phía một số đơn vị sử dụng tài sản. Đây là mấu chốt dẫn tới những hạn chế của MSTT thời gian qua được ghi nhận tại nhiều địa phương. Cụ thể, việc gửi nhu cầu chậm và chất lượng của số liệu chưa đồng bộ trong quá trình tổng hợp nhu cầu mua sắm dẫn tới triển khai xây dựng và trình danh mục MSTT chậm, ảnh hưởng dây chuyền tới việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) và các bước lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, tình trạng chậm và khó khăn trong phối hợp giữa đơn vị mua sắm, nhà thầu và đơn vị sử dụng dẫn tới nhiều bất cập trong công tác bàn giao, nghiệm thu, giải ngân. Có đơn vị gửi chậm, gửi lắt nhắt, lại thường xuyên có điều chỉnh nhu cầu mua sắm dẫn tới phát sinh nhiều vất vả cho đơn vị tổ chức MSTT.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đa số các đơn vị được giao làm đầu mối MSTT phàn nàn về tình trạng các đơn vị sử dụng tài sản chưa coi trọng các quy định về mốc thời gian, về các nội dung liên quan đến số tài sản có nhu cầu mua sắm. Và “các đơn vị MSTT phải “chạy theo” giục giã để sớm tổng hợp danh mục tài sản mua sắm. Nhiều đơn vị sử dụng tài sản thực hiện nhiệm vụ này theo kiểu đối phó, sơ sài. Thậm chí, một bên mời thầu cho biết, việc đơn vị sử dụng tài sản đề nghị MSTT mà không gửi kèm dự toán mua sắm, danh mục mua sắm làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổng hợp, lập và trình cấp thẩm quyền phê duyệt KHLCNT theo quy định. Nhưng đến khi chậm nhận tài sản, các đơn vị sử dụng tài sản lại luôn đổ lỗi cho đơn vị tổ chức MSTT lẫn nhà thầu. Tình trạng này khá phổ biến, một số đơn vị MSTT đã phải có văn bản giải trình, trả lời các cấp bởi những phán xét một phía như vậy.

Trong khi đó, một số nhà thầu chia sẻ, họ cũng gặp không ít khó khăn do bị đơn vị sử dụng tài sản gây khó dễ trong quá trình bàn giao, nghiệm thu, bảo hành. Nhiều đơn vị sử dụng tài sản chưa quen với việc “mất quyền” tự mua sắm theo ý mình nên rất khó chịu với nhà thầu. “Khi cung cấp, lắp đặt tài sản, đơn vị sử dụng nhiều lúc không hợp tác, gây mất thời gian, công sức cho nhà thầu”, một nhà thầu chuyên cung cấp máy tính văn phòng cho biết. 

Cần quyết liệt với từng đơn vị sử dụng tài sản

Hiện pháp luật về đấu thầu đã quy định cụ thể các bước thực hiện MSTT bao gồm: Lập, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản; tổng hợp nhu cầu MSTT, lập, thẩm định phê duyệt KHLCNT, chuẩn bị lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu và thương thảo thỏa thuận khung, hợp đồng mua sắm tài sản… Nếu thực hiện đúng thời hạn quy định, đặc biệt là khâu đăng ký nhu cầu MSTT thì MSTT luôn đáp ứng được yêu cầu về thời gian mua sắm tài sản của các đơn vị.

Đại diện Sở Tài chính Bình Phước chia sẻ, để giảm bớt thủ tục hành chính, bảo đảm việc mua sắm được kịp thời và không ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các cơ quan, đơn vị, các văn bản quy định việc MSTT chủ yếu thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung (đơn vị MSTT chỉ thực hiện việc tổng hợp nhu cầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung, các đơn vị sử dụng tài sản trực tiếp ký hợp đồng mua sắm, chi trả tiền, tiếp nhận tài sản để sử dụng).

Trong khi đó, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng MSTT. Quan trọng nhất là việc thống nhất thông số và mức giá tài sản. Tại Hà Nội, việc ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, mức giá dự toán của tài sản trên cơ sở có điều chỉnh cho phù hợp với tiêu chuẩn, định mức, nhu cầu thực tế được thực hiện hàng năm để làm căn cứ đăng ký, bảo đảm tính đồng bộ. Để khắc phục chậm trễ trong khâu tổng hợp nhu cầu mua sắm, Hà Nội yêu cầu đơn vị MSTT tổng hợp nhu cầu và tổ chức mua sắm định kỳ hàng tháng. Với chỉ đạo mạnh mẽ này, các đơn vị đã đăng ký nhu cầu đúng hạn (trước ngày 31/1 hàng năm) và đảm bảo việc mua sắm tài sản kịp thời.

Nhiều đơn vị MSTT đề xuất, thời gian tới, nếu Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo quyết liệt hơn về việc MSTT đến các bộ, ban, ngành và địa phương, công tác này sẽ dần đi vào nề nếp và hiệu quả sẽ rất lớn.

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam Lê Hoàng Nghi cho biết: “MSTT dù quy định 2 đợt trong năm nhưng vẫn được áp dụng linh hoạt chia thành 5 - 6 đợt trong năm theo nhu cầu. Để công tác MSTT hiệu quả hơn, kịp thời và đúng quy định, đòi hỏi trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong việc phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với cơ quan được giao nhiệm vụ mua sắm”.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An cho rằng, công tác tuyên truyền về MSTT vẫn còn hạn chế nhất định, chưa tạo ra sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện. Việc tổ chức quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành về MSTT ở một số cơ quan, đơn vị chưa được chú trọng dẫn tới tình trạng đăng ký mua sắm chậm. Sự phối hợp giữa cơ quan MSTT với một số cơ quan là chủ đầu tư (đơn vị sử dụng) vẫn chưa chặt chẽ, nhất là trong khâu bàn giao, tiếp nhận, bảo hành, bảo trì sản phẩm. Do đó, cần tăng cường truyền thông, phổ biến đến các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc về chính sách MSTT.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư