Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN đón nhận nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có ý kiến quan ngại rằng việc thành lập “siêu” ủy ban này sẽ thêm một cơ quan “siêu” quyền lực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi không biết những quan điểm nhìn nhận việc đề xuất thành lập Ủy ban Quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN sẽ trở thành “siêu” Ủy ban là dựa trên tiêu chí, căn cứ khoa học nào, bởi trong Dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không dùng từ này. Do vậy, những lập luận như thế là cảm tính và thiếu căn cứ khoa học.
Hiện nay, vấn đề cải cách nền kinh tế nói chung, cải cách DNNN nói riêng, trong đó có việc nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN, là yêu cầu cấp bách. Việc làm này nhằm giúp khối DNNN hoạt động hiệu quả hơn trong một môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh công bằng, minh bạch.
Việc thiết kế mô hình của cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu nhà nước như trong Dự thảo Nghị định sẽ tách bạch chức năng quản lý hành chính với chức năng chủ sở hữu của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay, nhằm giảm thiểu nguy cơ ban hành chính sách gây méo mó thị trường; lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh giữa các DN; buộc DN có sở hữu nhà nước phải hoạt động theo cơ chế thị trường đầy đủ, nhờ đó, đạt mục tiêu cuối cùng là tăng cơ hội cải thiện hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Đề xuất ấy cũng là một phương án. Tuy nhiên, hiện SCIC quản lý một phần rất nhỏ vốn đầu tư nhà nước tại DN. Vị thế “thấp” của SCIC làm cho cơ quan này khó “điều khiển” được các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. Tương tự, một cơ quan chuyên trách nằm trong cơ cấu của một bộ sẽ khó đáp ứng được yêu cầu “độc lập” và ngang hàng với các bộ quản lý ngành trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Có ý kiến cho rằng, việc thành lập Ủy ban có thể làm chậm quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN. Ý kiến của ông như thế nào?
Ý kiến cho rằng việc thành lập Ủy ban có thể làm chậm tiến độ CPH DNNN cũng là cảm tính. Trên thực tế, hiện tiến độ CPH DNNN đang diễn ra rất chậm, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là các bộ không muốn CPH vì sợ mất lợi ích. Hơn nữa, chính cơ chế quản lý DNNN hiện nay cũng là nguyên nhân khiến việc CPH chưa minh bạch, chưa thực chất. Vì vậy, khi có Ủy ban, hoạt động CPH sẽ được thực hiện một cách minh bạch, công khai, nên tiến độ CPH DNNN chắc chắn sẽ chuyển biến tốt hơn.
Sẽ có thách thức lớn trong việc xử lý vấn đề lợi ích nhóm khi thành lập Ủy ban, thưa ông?
Ngay sau khi Dự thảo Nghị định đưa ra lấy ý kiến góp ý đã đón nhận nhiều ý kiến đại diện các bộ phản đối việc thành lập cơ quan chuyên trách giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN, bởi lo ngại khi quyền điều hành tập trung vào một tổ chức sẽ khó tránh nguy cơ lạm quyền, hình thành những lợi ích nhóm. Song, không có lợi ích nào hơn lợi ích quốc gia, việc này chính là cải cách, là sự sắp xếp bộ máy, thay đổi cơ cấu quyền lợi của nhiều cơ quan nhà nước.
Tôi nhấn mạnh lại là việc tách chức năng quyền chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước sẽ làm chuyên nghiệp hóa việc sử dụng vốn nhà nước để hạn chế, tiến tới xóa bỏ lợi ích nhóm, chứ không phải tạo ra lợi ích nhóm. Nếu giữ nguyên cách quản lý DNNN như hiện nay là thất bại lớn.
Ông có thể tiên lượng về hiệu quả nếu chúng ta thực hiện mô hình này?
Nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện mô hình này để quản lý hiệu quả DNNN, thành công có, thất bại có. Chúng ta cần soi xét rành mạch căn nguyên của những thành bại ấy để rút kinh nghiệm, từ đó có thể áp dụng hiệu quả ở Việt Nam.
Tôi tin tưởng, nếu cơ quan chuyên trách này được thành lập cùng với cách quản lý như thiết kế trong Dự thảo Nghị định, chắc chắn DNNN sẽ hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, mô hình tốt hơn tới đâu lại phụ thuộc vào quá trình thực hiện mà đầu tiên là con người trong cơ quan này, tiếp đó là phải đảm bảo cơ quan này hoạt động độc lập thuần túy về chuyên môn trong việc quản lý vốn đầu tư nhà nước theo cơ chế thị trường.