Sử dụng hiệu quả khối tài sản khổng lồ mà các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ là một bài toán khó. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều sơ hở, yếu kém
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện ở nước ta, giá trị vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh là rất lớn. Tuy nhiên, lâu nay, việc một bộ quản lý ngành, vừa ban hành chính sách vừa sở hữu doanh nghiệp thuộc ngành đó đã tạo ra xung đột thị trường và lợi ích, khiến các chính sách điều tiết thiên về hướng có tính ưu tiên, ưu đãi cho ngành của mình. Chính lý do này đã làm thị trường méo mó, bất bình đẳng, không cạnh tranh, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Số liệu tổng hơp từ Chính phủ cho thấy, đến cuối năm 2015, tính riêng 781 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã có tổng giá trị tài sản là 3.105 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu nhà nước là 1.233 nghìn tỷ đồng. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng giá trị tài sản của các DNNN và DN có trên 50% sở hữu nhà nước đạt 5.408,4 nghìn tỷ đồng. “Nếu như cải thiện được hiệu quả thêm một điểm phần trăm, thì khối tài sản này tạo giá trị tăng thêm khoảng 2,5 tỷ USD và có tác dụng rất lớn đối với cân đối vĩ mô khác”, vị đại diện CIEM phân tích.
Viện trưởng CIEM cho rằng: “Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh còn thấp so với các nguồn vốn đầu tư tư nhân và thấp hơn nhiều so với đầu tư từ nước ngoài”. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Cung cho biết, DNNN, bao gồm cả DN cổ phần chi phối của Nhà nước chiếm 32% nguồn vốn kinh doanh, 39% tài sản cố định và đầu tư dài hạn nhưng chỉ tạo ra 24% doanh thu, dưới 20% giá trị sản xuất công nghiệp; chiếm tỷ trọng nhỏ trong lĩnh vực thương mại nội địa, nông, thủy sản. Trên thực tế, khối lượng vốn và tài sản này đang bị phân tán trong hầu khắp các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, cả về nơi sử dụng lẫn nơi chịu trách nhiệm quản lý, giám sát.
Trong khi đó, ông Cung cho rằng: “Chính thể chế quản lý phân tán, chia cắt cho nhiều bộ như hiện nay đã làm giảm hiệu lực, thậm chí vô hiệu hóa quyền sở hữu toàn dân, thông qua Nhà nước là người đại diện, đối với vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.
Từ thực trạng nêu trên, ông Cung nhấn mạnh: “Để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đặc biệt quan trọng này, một trong những giải pháp cơ bản đầu tiên là phải có bộ máy chuyên nghiệp, chuyên trách quản lý và giám sát tài sản nhà nước một cách tập trung, trong đó có vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp. Còn kiểu quản lý DNNN như hiện nay mãi không hiệu quả”. Theo đó, Dự thảo đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại DN nhằm xóa bỏ sơ hở, yếu kém trong công tác này thời gian qua.
Nhiều bộ không muốn buông quyền lợi
Ông Cung chỉ ra: “Quá nhiều đầu mối, nên không có ai chịu trách nhiệm giải trình trước Chính phủ, trước Quốc hội và nhân dân, đã tạo ra tình trạng vô trách nhiệm trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, lạm dụng tài sản này để tư lợi, phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Hơn nữa, việc các bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi” đã tạo ra một thị trường cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của các DN khác…
“Dù với động cơ nào, những lo ngại đó cũng đặt ra yêu cầu phải thiết kế được một mô hình cơ quan chuyên trách hoạt động thực sự hiệu quả, vừa khắc phục những hạn chế, yếu kém của cơ chế phân công, phân cấp thực hiện quyền sở hữu nhà nước hiện nay, vừa có khả năng giải tỏa được những trở ngại về nhận thức và hành động đối với việc thể chế hóa chủ trương quan trọng này của Đảng và Nhà nước”, ông Cung nêu quan điểm.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này, đại diện CIEM cho biết, nhiều quốc gia đã thành lập cơ quan chuyên trách để thực hiện chức năng làm đại diện chủ sở hữu nhà nước như: Indonesia, Singapore, Trung Quốc, Pháp, Phần Lan… “Điều này là đặc biệt quan trọng đối với các nước chuyển đổi đang tiến tới kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập như Việt Nam”, người đứng đầu CIEM nhìn nhận.