Gian truân thực hiện dự án sử dụng đất

(BĐT) - Việc các dự án sử dụng đất chậm được triển khai dù với lý do gì cũng khiến cho nguồn lực đất đai chậm phát huy hiệu quả, chậm có được những dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng sự đồng hành, tháo gỡ của Nhà nước, cũng như sớm có quy định pháp lý thống nhất, đủ hiệu lực để yên tâm đầu tư.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Vướng mắc muôn thuở: giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Hưng Thịnh, nhà đầu tư nhiều dự án sử dụng đất tại Hải Dương - cho biết, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn do người dân không đồng thuận, Nhà đầu tư không thể tự làm được nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Giá đền bù đất nông nghiệp theo bảng giá đất của Tỉnh là 80 triệu đồng/sào, nhưng có nơi Nhà đầu tư thỏa thuận trả 800 triệu đồng/sào người dân vẫn không đồng ý.

Ông Hải chia sẻ mong muốn có một cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai thu hồi đất nhằm bảo đảm lợi ích của người có đất, của chủ đầu tư và bảo đảm lợi ích chung của xã hội.

Theo quan sát của ông Hải, rất nhiều dự án sử dụng đất đấu thầu tại Hải Dương có kết quả từ năm 2015 trở lại đây đều gặp vướng mắc này. Tại một số dự án, nhà đầu tư đã giải phóng được một phần, nhưng theo kiểu xôi đỗ nên cũng không thể triển khai các bước tiếp theo để thực hiện dự án. Tiền ứng trước giải phóng mặt bằng bị “chôn” theo đất, nhà đầu tư nếu không trường vốn sẽ rất khó khăn.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Hải Dương chia sẻ, vướng mắc, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng không chỉ là vấn đề của riêng một địa phương hay dự án nào. Giải phóng mặt bằng là công tác rất khó khăn, dễ dẫn đến khiếu kiện và mất rất nhiều thời gian. Luật Đất đai quy định, doanh nghiệp phải tự thương lượng để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo thỏa thuận với người sử dụng đất. Rất nhiều trường hợp nhà đầu tư không thương lượng được với người dân. Vì thế, việc tháo “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng cần phải xuất phát từ sửa đổi pháp luật về đất đai. 

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đối với các dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng dở dang, trước hết là các dự án đã giải phóng từ 80% diện tích trở lên thì nên thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích đất dự án còn lại để doanh nghiệp có điều kiện thực hiện bồi thường, đảm bảo yêu cầu bồi thường thỏa đáng, phù hợp giá thị trường trên cơ sở thỏa thuận bình đẳng, thực hiện quyền tái định cư của người có đất bị thu hồi, đảm bảo lợi ích công cộng.

Giải phóng mặt bằng xong lại tắc giao đất

Đối với dự án sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu thì sau khi trải qua “ải” giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư nhiều dự án còn “khóc dở mếu dở” vì không được giao đất. Nguyên nhân do pháp luật về đất đai hiện chưa có quy định rõ ràng về trường hợp giao đất, cho thuê đất trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.       

Cán bộ của Sở KH&ĐT một số tỉnh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn một số địa phương thực hiện cơ chế giao đất. Tuy nhiên, đó chỉ là một văn bản mang tính hướng dẫn của bộ chuyên ngành, có tính pháp lý không cao, giải quyết mang tính vụ việc. Các địa phương giờ nghe ngóng địa phương khác làm, nghe ngóng hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện. Không làm thì dự án đình trệ, nhà đầu tư thiệt hại, địa phương cũng không khai thác được quỹ đất, mà làm thì lo. 

Theo Tập đoàn FLC, thực tế đã có một số địa phương tạm dừng việc giao đất/cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án, dừng đấu thầu dự án sử dụng đất. Trong khi đó, tại rất nhiều dự án trong diện tạm dừng để xem xét việc giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tham gia giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện dự án đã trúng thầu. Nhà đầu tư không chỉ đứng trước nguy cơ thiệt hại về chi phí đã đầu tư, mà còn có thể mất rất nhiều cơ hội kinh doanh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư, cán bộ làm công tác đầu tư đều kỳ vọng Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP. Dự thảo Nghị định này đã được trình Chính phủ từ đầu năm 2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể ban hành do còn một số vấn đề chưa thống nhất. Các ý kiến chia sẻ mong muốn, trong khi Luật Đất đai chưa được sửa đổi, Nghị định thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay do mâu thuẫn, thiếu đồng bộ giữa các luật liên quan trong việc giao đất, xác định giá đất trong trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án có sử dụng đất.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư