Giải quyết tranh chấp khi gặp rủi ro thực hiện hợp đồng do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 khiến cho việc thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được, phải dừng hợp đồng. Do đó, nguy cơ doanh nghiệp bị xử phạt hợp đồng, kiện ra tòa là hiện hữu. Vậy, giải pháp nào để hạn chế được rủi ro tranh chấp hợp đồng này?
Làm thế nào để giải quyết tranh chấp hợp đồng do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 là một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Ảnh minh họa: Internet
Làm thế nào để giải quyết tranh chấp hợp đồng do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 là một trong những nội dung được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay. Ảnh minh họa: Internet

Đây là vấn đề được đặt ra tại Tọa đàm "Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu phản ứng với 'bất khả kháng' hoặc 'hoàn cảnh thay đổi' như thế nào?" do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức trực tuyến ngày 16/9.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, dịch bệnh bùng phát đã tác động lớn đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khiến chí phí tăng cao. Để có thể xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp phải đợi chính quyền cấp phép, trong thời gian chờ đợi đó phát sinh chi phí bảo quản, dịch tễ.

Trong một số trường hợp, doanh nghiệp còn nhận thêm yêu cầu của cơ quan hành chính buộc phải dừng thực hiện hợp đồng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hay đơn cử như doanh nghiệp không thể thực hiện được thủ tục với ngân hàng (ngân hàng yêu cầu phải có chứng từ gốc đối chiếu tại quầy giao dịch) do không có giấy đi đường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, dù doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy đi đường và không được giải quyết trong thời hạn...

Trúng thầu cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng một số doanh nghiệp là nhà thầu chia sẻ, họ đang “khóc dở, mếu dở” vì cước phí vận tải biển hàng hóa nhập khẩu tăng rất cao, cao hơn nhiều so với giá chào thầu và giá theo hợp đồng đã ký kết... Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải trả thêm những chi phí phát sinh do thiếu kho bãi, container cả ở trong và ngoài nước.

Trước nguy cơ bị xử phạt hợp đồng hay bị kiện ra tòa, không ít doanh nghiệp có mong muốn được sửa đổi điều khoản đã ký cho phù hợp hơn để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Theo ông Phan Trọng Đạt - quyền Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (thuộc VIAC), thời gian gần đây có nhiều doanh nghiệp tìm đến cơ chế hòa giải, trọng tài để giải quyết những tranh chấp hợp đồng thương mại, hợp đồng trúng thầu như trên, thay vì “đáo tụng đình” thường mất nhiều thời gian, ít tốn kém hơn cũng như muốn giữ gìn mối quan hệ. Thực tế, nhiều cuộc hòa giải đã thành công, có cuộc chỉ mất khoảng 1 tháng. Nếu như gợi ý hòa giải không thành thì doanh nghiệp có thể áp dụng cơ chế trọng tài, cuối cùng mới đến tòa án. Khi có kết quả hòa giải thành công với những cam kết thực hiện những nội dung cụ thể, khắc phục những sai sót của hợp đồng đã có, hay lời hứa cho những câu chuyện tương lai, các bên có thể tự nguyện thi hành, hoặc có thể yêu cầu tòa án công nhận kết quả hòa giải đó như một bản án. Khi có văn bản công nhận của tòa án thì cơ quan chức năng có thể cưỡng chế thi hành các thỏa thuận đã cam kết nếu có một bên không thực hiện.

Để có thể điều chỉnh, sửa đổi hợp đồng thuận lợi, theo PGS.TS Đỗ Văn Đại - Trưởng Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM, Viện sỹ Viện Hàn lâm quốc tế về Luật so sánh, doanh nghiệp có thể căn cứ vào quy định về sự kiện bất khả kháng (Điều 156 Bộ luật Dân sự) hoặc hoàn cảnh thay đổi cơ bản (Điều 420 Bộ luật Dân sự). Theo đó, có 2 phương án giải quyết tranh chấp, một là cho phép sửa đổi hợp đồng cho phù hợp với sự biến động lớn về giá cả thực tế so với hợp đồng đã ký, để có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng; hai là chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên phương án này không được khuyến khích.

“Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng này có thuận lợi hay không là tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải chứng minh được việc không thể thực hiện được hợp đồng là do yếu tố bất khả kháng, dù đã áp dụng mọi cách để khắc phục. Chẳng hạn như doanh nghiệp bị buộc phải dừng thực hiện hợp đồng để thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 vì văn bản mệnh lệnh hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Như trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được thủ tục thanh toán với ngân hàng theo hợp đồng đã ký với đối tác do không được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy đi đường đúng hạn, doanh nghiệp phải chứng minh được là đã thực hiện tất cả các biện pháp như thanh toán trực tuyến (online) hay làm thủ tục đăng ký cấp giấy đi đường đúng hạn... nhưng vẫn không thể thực hiện được hợp đồng”, PGS.TS Đỗ Văn Đại khuyến nghị.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề