Giải pháp nào giảm áp lực nợ công?

(BĐT) - Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, nợ công đến cuối năm 2016 sẽ lên đến gần 3 triệu tỷ đồng. 
Nợ công năm 2016 dự báo có thể tăng thêm 385.375 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Nợ công năm 2016 dự báo có thể tăng thêm 385.375 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Chuyên gia của BVSC khẳng định, đang có nhiều áp lực lớn lên nợ công, và giải pháp quan trọng là giảm chi, trong đó thu hút tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng sẽ góp phần giảm áp lực chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.

Nợ công gánh nhiều áp lực

Tổng hợp của Nhóm nghiên cứu BVSC cho thấy, năm nay nợ công có thể tăng thêm 385.375 tỷ đồng và không chỉ đến từ thâm hụt ngân sách. Theo TS. Bạch Ngọc Thắng, Chuyên gia kinh tế trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường của BVSC, trên thực tế, ngoài phần phát sinh do thâm hụt ngân sách, áp lực gia tăng nợ công còn có thể đến từ các khoản trái phiếu đầu tư trực tiếp của Chính phủ, các khoản Chính phủ đi vay để cho vay lại, và các khoản bảo lãnh của Chính phủ.

BVSC dự báo, nợ công có thể đạt mức 64,4% GDP vào cuối năm 2016, áp sát mức trần nợ công Quốc hội cho phép cho đến năm 2020. Theo tính toán của BVSC, năm 2015, với tỷ lệ nợ công như cập nhật của Bộ Tài chính là 62,2% GDP, con số nợ công tuyệt đối của Việt Nam vào cuối năm 2015 là 2.607.960 tỷ đồng. Giả định tổng nợ công sẽ tăng thêm 385.375 tỷ đồng, tổng nợ công của Việt Nam vào cuối năm 2016 sẽ đạt mức 2.993.335 tỷ đồng, bằng 64,4% GDP.

Ông Bạch Ngọc Thắng cho biết, tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2016 có thể thấp hơn con số dự báo ở trên nếu tăng trưởng được cải thiện, nhưng áp lực gia tăng bội chi ngân sách trên thực tế sẽ là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ trong quản trị nợ công. Theo thông báo kết quả phiên họp thường kỳ của Chính phủ vào tháng 7/2016, tăng trưởng GDP có thể đạt 6,3% hoặc 6,5% trong năm 2016. Nếu ước tính này thành hiện thực, tỷ lệ nợ công/GDP có thể thấp hơn, bằng 64,1% (với tăng trưởng 6,3%) hoặc 63,9% (với tăng trưởng 6,5%) vào cuối năm 2016. Tuy nhiên theo tính quy luật các năm trước, nếu giả định thâm hụt ngân sách trên thực tế cao hơn 10% so với dự toán, tỷ lệ nợ công/GDP có thể tăng lên 64,9% theo kịch bản tăng trưởng cẩn trọng của BVSC; 64,6% và 64,5% theo hai kịch bản của Chính phủ.

Nợ nhiều thì phải giảm chi tiêu

Theo Nhóm nghiên cứu của BVSC, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP là nền tảng pháp lý quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực tài chính ngoài nhà nước tham gia đầu tư vào các lĩnh vực trước đây dường như là “lãnh địa” của khu vực nhà nước. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang thâm hụt mạnh trong 5 năm trở lại đây, Nghị định đã tạo cơ hội cho khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc gia.
Theo những số liệu đã được Bộ Tài chính công bố, những năm gần đây, thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao hơn so với dự toán. Cuối tháng 7/2016, Quốc hội đã thông qua quyết toán ngân sách nhà nước 2014 với bội chi 249.362 tỷ đồng, so với dự toán, mức bội chi này cao hơn 11%. Số liệu quyết toán năm 2013 cho thấy, mức thâm hụt ngân sách trên thực tế còn cao hơn nhiều so với dự toán, lên tới 46%. Gần đây nhất, số liệu cập nhật ngân sách lần hai vào tháng 4/2016 của Bộ Tài chính cũng cho thấy mức thâm hụt ngân sách năm 2015 dự kiến cao hơn 13% so với dự toán.

Tổng hợp của Nhóm nghiên cứu của BVSC cho thấy, tỷ lệ thâm hụt ngân sách/GDP của Việt Nam là 6,6% trong năm 2013, 6,3% năm 2014, năm 2015 là 6,1%. Theo TS. Bạch Ngọc Thắng, tỷ lệ thâm hụt ngân sách này có thể không phù hợp với thông lệ quốc tế khi nó bao gồm cả khoản chi trả nợ gốc của Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả khi loại trừ khoản chi trả nợ gốc thì mức thâm hụt của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, từ 4,2 đến 5% GDP, cao hơn nhiều so với giới hạn cảnh báo của IMF là 3%.

TS. Bạch Ngọc Thắng khuyến nghị, giải pháp chính giúp kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công trong thời gian tới là kiểm soát chi vì tỷ trọng chi thường xuyên trong ngân sách nhà nước đang ở mức rất cao, chiếm đến 82% tổng chi trong năm 2015, tăng mạnh so với tỷ lệ 69% trong năm 2010.Trong đó, TS. Bạch Ngọc Thắng nhấn mạnh, sự tham gia của khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công có thể là một giải pháp cần đẩy mạnh hơn nữa khi nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách có thể bị hạn chế từ năm 2017 do tỷ lệ nợ công đã tiến sát trần.

Chuyên đề