Giải pháp cấp bách giúp DN vượt khó và hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.

Bao gồm: phòng, chống dịch linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì sản xuất, kinh doanh; đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục tình trạng chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN; tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia. Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu ý kiến của DN về các nhóm giải pháp này.

Giải pháp toàn diện cần quyết tâm thực hiện

Ông Hà Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tài Anh

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ DN có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho DN là vô cùng cần thiết. 4 nhóm giải pháp này đã bao phủ đầy đủ, toàn diện những khó khăn hiện nay của DN.

Tuy nhiên, phải sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ này để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Quá trình triển khai cần có quyết tâm cao độ, thống nhất và đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, không để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Việc tháo gỡ khó khăn phải đi vào thực chất, không mang tính khẩu hiệu chung chung vì hiện nay, “sức khỏe” của đa phần DN đều ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nguồn lực dần cạn kiệt, kể cả những DN có nguồn lực dự trữ được cho là ổn định. Có như vậy, các nhóm giải pháp mà Nghị quyết đưa ra mới đủ sức, đủ tầm “cứu” DN trong tình thế khó khăn chồng khó khăn như hiện nay.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết thực

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Gần đây, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do quy định của các địa phương, bộ, ngành không có sự thống nhất dẫn đến mỗi địa phương thực hiện một kiểu, làm cho DN, người lao động gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và gây ách tắc, nhất là khâu vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phương án “3 tại chỗ” cũng gặp khó khăn, cùng với thách thức do thiếu hụt lao động và tỷ lệ tiêm vaccine cho ngành dệt may vẫn thấp…

Chính vì vậy, Nghị quyết về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 của Chính phủ, trong đó có các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho DN sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc “cứu” DN nói chung, DN dệt may nói riêng. Vấn đề lớn nhất hiện nay là chính sách dự kiến ban hành phải thiết thực thì mới giúp DN, người lao động vượt qua khó khăn, thách thức của dịch bệnh.

Để hỗ trợ kịp thời cho DN, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cắt giảm các chi phí để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh như giảm 30% giá điện cho đến hết năm 2021; kiến nghị TP. Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% mức phí cho năm 2022; TP.HCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022; dừng các khoản thu không phải chi ngay mà để kết dư…

Công khai, minh bạch các chính sách và đối tượng nhận hỗ trợ

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco4

Hơn 1 năm liên tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, không chỉ riêng DN giao thông mà DN ở nhiều lĩnh vực khác cũng phải gồng mình vừa sản xuất - kinh doanh, vừa phòng chống dịch bệnh. Nhà nước đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng chưa đủ mạnh để tháo gỡ các vướng mắc, tiếp sức cho DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Mong rằng, các nhóm giải pháp “mạnh tay” của Chính phủ sẽ sớm được ban hành và “đến tay” DN, nếu muộn thì nhiều DN sẽ phải “khai tử” trước khi được tiếp nhận chính sách hỗ trợ, và như vậy, ý nghĩa của chính sách sẽ không còn.

Tôi cho rằng, trong nhóm giải pháp hỗ trợ, nên phân loại các loại hình DN, ngành nghề để hỗ trợ đúng đối tượng, sâu sát, tránh chồng chéo hoặc “bỏ rơi” các khó khăn. Mỗi loại hình DN có những đặc thù khó khăn riêng, cần có giải pháp hỗ trợ riêng, không nên đánh đồng và cào bằng để hỗ trợ như nhau, như vậy sẽ không đúng trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình thực hiện các nhóm giải pháp này, cần có sự kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ, đối tượng tiếp nhận. Hiện nay, nhiều chính sách về giãn nợ, giãn nộp thuế, nợ bảo hiểm xã hội và bỏ tính lãi khi chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn còn vướng mắc, cần phải tháo gỡ kịp thời để giảm bớt gánh nặng chi phí cho DN.

Giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt và có kế hoạch phục hồi

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Trong bối cảnh cộng đồng DN đang gặp vô vàn khó khăn bởi tác động của dịch Covid-19, việc sớm có chính sách hỗ trợ DN là rất cần thiết và phù hợp với thực tế. Các nội dung được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết đều có độ phủ rộng, có chiều sâu, giúp cộng đồng DN vượt qua khó khăn trước mắt, có kế hoạch phục hồi sau dịch để bứt phá.

Đại dịch Covid-19 tác động toàn diện đến hoạt động của DN, nhưng mỗi DN lại gặp khó khăn khác nhau, có DN gặp khó khăn về lao động (không có nguồn lực, không thuê được lao động), một số lại bị giảm doanh thu, thừa lao động mà không dám cho người lao động nghỉ việc... Do đó, các chính sách hỗ trợ phải đi sâu vào từng ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng cụ thể.

Muốn chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, kịp thời nhất thì phải giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tăng cường hậu kiểm và sử dụng công nghệ thông tin. Những vấn đề này đã được đề cập từ trước khi dịch bệnh xảy ra nhưng đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Đây là cơ hội để chuyển đổi mạnh mẽ hơn nhằm giảm giao tiếp trực tiếp, giảm thủ tục hành chính, phát huy tối đa hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Chính sách hỗ trợ phải đến với doanh nghiệp càng sớm càng tốt

Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

Cộng đồng DN nói chung và DN xây dựng nói riêng vui mừng vì Chính phủ đang có kế hoạch ban hành Nghị quyết về hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Về tổng thể, những chỉ đạo hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp đỡ rất nhiều cho nền kinh tế, cho các DN đang dần kiệt quệ trong bối cảnh hiện nay.

Để hỗ trợ thiết thực và hiệu quả thì sau khi ban hành Nghị quyết, các bộ, ngành phải nhanh chóng triển khai và có đề xuất ngay với Chính phủ về các giải pháp cụ thể hỗ trợ tới từng ngành, DN trong từng lĩnh vực quản lý của bộ, ngành. Thời hạn mà các bộ, ngành đề xuất giải pháp để Chính phủ thông qua phải nhanh chóng, cụ thể, tránh việc áp dụng các hỗ trợ quá chậm, quá muộn thì không còn ý nghĩa. Các DN hiện đang ở tình thế nguy cấp rồi, nên các chính sách hỗ trợ phải tới được DN càng sớm, càng tốt.

Riêng ở phía DN xây dựng, chúng tôi mong chờ các nội dung hỗ trợ cụ thể và thiết thực như: dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng; các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%; giảm 50% thuế thu nhập DN thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả các DN xây dựng…

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề