Giải ngân đầu tư của các “ông lớn” DNNN còn thấp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Đứng mũi chịu sào” trong việc thực hiện nhiều dự án quan trọng, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, nhưng theo đánh giá của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của hầu hết doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trực thuộc đều thấp hơn so với kế hoạch.
Tổng vốn đầu tư năm 2022 của ACV ước thực hiện 10.587 tỷ đồng.
Tổng vốn đầu tư năm 2022 của ACV ước thực hiện 10.587 tỷ đồng.

Đề cập về tình hình triển khai và giải ngân vốn đầu tư năm 2022 của 19 DNNN trực thuộc, Ủy ban cho biết, ở lĩnh vực hạ tầng giao thông, các DN như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)… đã tập trung thực hiện nhiều dự án trọng điểm, song kết quả giải ngân chưa đạt mục tiêu đặt ra.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư năm 2022 của ACV ước thực hiện 10.587 tỷ đồng, trong đó, tổng vốn đầu tư của 15 dự án nhóm A, B là 5.348 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch. Một số dự án có tỷ lệ giải ngân thấp như: Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 (năm 2022 giải ngân 3.000 tỷ đồng, đạt 35,3% kế hoạch); Dự án Xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (năm 2022 giải ngân được 26 tỷ đồng, đạt 2% kế hoạch)…

Trong ở lĩnh vực năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tập trung đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện đồng bộ với phát triển lưới truyền tải, lưới điện phân phối kết hợp ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh. Tuy nhiên, kết quả triển khai và giải ngân cũng chưa đạt kế hoạch. Ví dụ, tại TKV, tình hình giải ngân vốn đầu tư của 10 dự án nhóm A năm 2022 mới chỉ đạt 59% kế hoạch. Tương tự, với 24 dự án nhóm B (16 dự án chuyển tiếp và 8 dự án khởi công mới) chỉ đạt 58% kế hoạch…

Đối với sản xuất nông nghiệp, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Cà phê Việt Nam cũng hụt kế hoạch năm. Chẳng hạn, tổng vốn đầu tư năm 2022 của Tổng công ty Lương thực miền Nam ước thực hiện 80,157 tỷ đồng, đạt 56,31% kế hoạch; Tổng công ty Cà phê Việt Nam ước thực hiện đạt 28 tỷ đồng, đạt 2,2% kế hoạch.

Ở lĩnh vực vận tải hành khách và logistics, tình hình giải ngân vốn đầu tư của một số “ông lớn” DNNN thuộc Ủy ban cũng thấp. Năm 2022, tổng vốn đầu tư của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ước thực hiện 40 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch; còn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt 35% kế hoạch…

Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của các DNNN trực thuộc chưa đáp ứng kế hoạch là do dịch bệnh Covid-19 kéo dài kết hợp với tình hình chính trị thế giới diễn biến phức tạp, bất ổn, khó dự báo. Cùng với đó, giá đầu vào sản xuất tăng cao làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh… Nguyên nhân chủ quan là còn những khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách pháp luật để triển khai dự án…

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc trong năm 2023 làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn kịp thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng có tính kết nối và lan tỏa cao. Cùng với đó, các DN cần chú trọng nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để dự án về đích đúng kế hoạch.

Chuyên đề