Giải ngân đầu tư công thấp, địa phương đôn đáo vào cuộc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc nhanh chóng đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng để từng địa phương và cả nước phục hồi kinh tế. Sau kết quả giải ngân của quý I/2022, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn để tháo gỡ vướng mắc, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới, với mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao.
Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Ảnh: Tiến Tân
Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Ảnh: Tiến Tân

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Kiên Giang cho biết, đến ngày 31/3/2022, giá trị giải ngân đầu tư công của Tỉnh là 324,466 tỷ đồng, đạt 6,33% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số đơn vị được giao kế hoạch lớn nhưng hết quý I chưa giải ngân hoặc giải ngân thấp, như Sở Giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn 1.022 tỷ đồng, chiếm 19,95% kế hoạch năm 2022 của Tỉnh, nhưng đến hết quý I/2022 chưa giải ngân. UBND TP. Phú Quốc được giao 1.093 tỷ đồng, chiếm 21,34% kế hoạch năm 2022 của Tỉnh, tính đến hết quý I giải ngân đạt 1,27% kế hoạch. Sở Tài nguyên và Môi trường được giao 144 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân.

Mức giải ngân của tỉnh Kiên Giang thấp hơn bình quân chung của cả nước. Nhiều nguyên nhân được Sở KH&ĐT Kiên Giang chỉ ra, do nhiều dự án chuyển tiếp chưa giải ngân; nhóm dự án khởi công mới năm 2022 chưa hoàn thành thủ tục đấu thầu; tâm lý chủ quan của một số chủ đầu tư, chưa quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ những tháng đầu năm; nhiều đơn vị chưa xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án để theo dõi, đôn đốc; vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Tỉnh Kiên Giang kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và từ dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư sang dự án đã đủ thủ tục hồ sơ, bảo đảm hiệu quả vốn đầu tư và đúng theo quy định; thu hồi kế hoạch vốn đầu tư công đối với các đơn vị chậm tiến độ, giải ngân quá thấp.

Nhiều địa phương khác có mức giải ngân quý I/2022 thấp hơn bình quân chung của cả nước cũng đã đưa ra các giải pháp quyết liệt để đốc thúc tiến độ giải ngân trong thời gian tới.

Là một trong những địa phương được giao kế hoạch vốn lớn, giải ngân đầu tư công của TP.HCM quý I/2022 nằm trong nhóm thấp của cả nước. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ tháng 4, Thành phố sẽ tiến hành giao ban về đầu tư công hàng tháng để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, kể cả giao ban với các nhà tài trợ, chủ đầu tư, các dự án ODA.

UBND TP. Hà Nội cũng vừa ban hành Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, các công trình trọng điểm của Thành phố. Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 kéo dài sang năm 2022; phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn. Thành phố yêu cầu từng chủ đầu tư xây dựng kế hoạch giải ngân và cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, gửi Sở KH&ĐT trước ngày 30/4/2022. Sở KH&ĐT tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố điều chỉnh vốn đợt 1 năm 2022 tại kỳ họp HĐND Thành phố giữa năm 2022, trong đó xem xét, điều chuyển vốn đối với các trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Quý I/2022 chỉ giải ngân được 4% kế hoạch, UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các chủ đầu tư chủ động tối đa ở cấp mình trong công tác giải ngân; có kế hoạch, giải pháp, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn. UBND Tỉnh sẽ thường xuyên nhắc nhở các đơn vị xử lý văn bản kịp thời, đảm bảo các khâu về thủ tục hành chính. Phấn đấu đến ngày 30/9/2022, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt tối thiểu 60% và giải ngân 100% kế hoạch vào cuối năm…

Tính chung cả nước, vốn đầu tư công giải ngân trong quý I/2022 chỉ đạt 11,88% kế hoạch. Xác định chậm giải ngân là làm giảm cơ hội phục hồi kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo đưa nhanh dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế.

Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Chính phủ tiếp tục yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương coi việc giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các đơn vị cần có giải pháp quyết liệt ngay để triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; khẩn trương rà soát, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn... Đồng thời, chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chậm giải ngân, gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Chuyên đề