Giải ngân đầu tư công nhìn từ những địa phương vượt kế hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt con số tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhiều địa phương có tổng vốn được giao lớn nhưng vẫn giải ngân vượt kế hoạch rất cao.
Quảng Ninh cũng luôn là địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao so với mặt bằng chung của cả nước, dù khối lượng vốn được giao rất lớn. Ảnh: Internet
Quảng Ninh cũng luôn là địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao so với mặt bằng chung của cả nước, dù khối lượng vốn được giao rất lớn. Ảnh: Internet

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2022, có 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao như Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thái Nguyên, Long An, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…

Hưng Yên là địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Lê Huy, năm 2022, được Thủ tướng Chính phủ giao 4.570 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công, Tỉnh đã cân đối, giao bổ sung nguồn vốn của địa phương với tổng kế hoạch vốn giao là 12.524 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 1/2023, số cập nhật đã thực hiện giải ngân 9.792 tỷ đồng, đạt 214,3% kế hoạch Thủ tướng giao, tăng 56,7% so với kết quả giải ngân năm 2021.

Ông Nguyễn Lê Huy chia sẻ một số giải pháp Tỉnh đã thực hiện để đạt được kết quả này. Đó là phân bổ vốn nhanh từ cuối năm 2021, đẩy nhanh giải ngân từ đầu năm 2022. Lãnh đạo Tỉnh thường xuyên đi kiểm tra, nắm tình hình và chỉ đạo tại hiện trường đối với các dự án trọng điểm, dự án được giao kế hoạch vốn lớn để giải quyết khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu ký cam kết về thực hiện giải ngân vốn đầu tư công giữa các chủ đầu tư và nhà thầu thi công; chỉ đạo các chủ đầu tư, UBND huyện, thị xã, thành phố cam kết tiến độ giải ngân theo các mốc thời gian… Trường hợp không đạt tiến độ như cam kết, sẽ xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt. Đối với nhà thầu không đạt tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ quyết toán thì áp dụng mức xử lý cao nhất về vi phạm hợp đồng tiến độ xây dựng, chậm thủ tục thanh toán và xem xét đánh giá năng lực nhà thầu...

Quảng Ninh cũng luôn là địa phương có tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao so với mặt bằng chung của cả nước, dù khối lượng vốn được giao rất lớn. Quyền Chủ tịch UBND Tỉnh Cao Tường Huy cho biết, năm 2022, Quảng Ninh giải ngân được 121% (báo cáo của Bộ Tài chính), thực tế tỉnh đã giải ngân được là 127%. Từ đầu năm 2023 đến nay, Tỉnh đã giải ngân xấp xỉ 15% vốn kế hoạch của năm nay. Tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND Tỉnh là Tổ trưởng và phân công cụ thể cho các sở, ngành, chủ tịch các địa phương gắn với trách nhiệm, gắn với thi đua khen thưởng, nếu không làm được sẽ thu hồi vốn để giao cho địa phương khác. Công tác giải phóng mặt bằng được quan tâm sâu sát, với những chiến dịch giải phóng mặt bằng thần tốc... Một trong những bài học kinh nghiệm nổi trội của Quảng Ninh được Lãnh đạo Tỉnh nhiều lần chia sẻ là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong năm 2023, Quảng Ninh chỉ khởi công mới 7 dự án và yêu cầu địa phương tập trung nguồn lực vào các dự án này.

Phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương được giao vốn lớn và hoàn thành xuất sắc kế hoạch năm 2022 với tỷ lệ giải ngân hơn 147%. Lãnh đạo Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hàng tuần, UBND Tỉnh, Sở KH&ĐT phân công lãnh đạo nghe các đơn vị báo cáo khó khăn, vướng mắc của từng dự án, từ đó trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ chậm nhất trong 10 ngày. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng - điểm nghẽn lớn với giải ngân - được đặc biệt chú trọng làm tốt từ cơ sở, với tinh thần rút ngắn tối đa thủ tục, quy trình thuộc thẩm quyền. Từ khi bắt đầu công tác kiểm kê đất ở cấp xã phường, Tỉnh giao cho các phòng ban, Thành phố cùng phối hợp ngay để thống nhất định hướng làm như thế nào cho hợp lý, đúng quy định, không để mất thời gian. Đây là khâu mà nếu không làm kỹ từ cơ sở sẽ vướng. Công tác định giá đất được giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường trực tiếp làm việc với địa phương ngay khi có phương án của tư vấn, có khó khăn thì tháo gỡ ngay từ cơ sở. Tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt các chính sách về nơi ở mới, nhà tái định cư cho người dân, chuẩn bị quỹ đất tái định cư trước, khi chuẩn bị giải tỏa sớm có nơi ở ngay. Đồng thời triển khai tuyên truyền thật tốt để tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng.

Ngược lại, cũng còn một số địa phương tỷ lệ giải ngân thấp hơn rất nhiều mức bình quân của cả nước. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, trong cùng mặt bằng chính sách, những địa phương có tỷ lệ giải ngân quá thấp có nguyên nhân từ những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện từ khâu phân bổ chi tiết vốn, chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án… Đây sẽ là những vấn đề cần chú trọng để đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn năm 2023.

Chuyên đề