Giá thép chưa hạ nhiệt, làm gì để nhà thầu bớt khổ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ cuối năm ngoái đến nay, giá thép xây dựng đã tăng hơn 31% khiến nhiều nhà thầu điêu đứng. Nhiều dự báo cho thấy xu hướng tăng giá thép sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Do đó, một số ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần chú trọng tháo gỡ khó khăn cho các hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định, cập nhật đơn giá thép tại các địa phương; doanh nghiệp xây lắp cần chủ động các phương án dự phòng biến động giá.
Giá thép tăng phi mã từ đầu năm 2021 khiến nhiều nhà thầu xây dựng phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Ảnh: Lê Tiên
Giá thép tăng phi mã từ đầu năm 2021 khiến nhiều nhà thầu xây dựng phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Ảnh: Lê Tiên

Từ đầu năm 2021, giá nguyên liệu sản xuất thép có nhiều diễn biến phức tạp theo xu hướng tăng, kéo giá thép thành phẩm tăng theo. Hiện giá thép xây dựng đã thiết lập mặt bằng giá mới, từ 16.000 - 19.000 đồng/kg tùy loại, trong khi đó tại thời điểm tháng 12/2020, giá thép xây dựng khoảng 12.200 - 12.500 đồng/kg.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, sắt thép các loại là một trong nhóm các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, trong 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu sắt thép ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 129,8% so với cùng kỳ năm trước (tăng 37,1% về lượng).

Giá tăng, xuất khẩu tăng, sau 9 tháng năm 2021, nhiều doanh nghiệp trong ngành thép báo lãi kỷ lục, cao hơn nhiều so với kết quả kinh doanh của các năm trước. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, lợi nhuận trước thuế lên đến 29.000 tỷ đồng, tăng 88% so với con số thực hiện cả năm 2020. Đây là con số lợi nhuận kỷ lục của Hòa Phát từ trước đến nay. Công ty CP Thép Nam Kim cũng báo lãi trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2021, gấp hơn 6,2 lần so với con số thực hiện năm 2020 (320 tỷ đồng). Phần lớn các doanh nghiệp ngành thép đều tăng trưởng lợi nhuận đột biến so với cùng kỳ.

Trái ngược với bức tranh lạc quan của ngành thép, chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà thầu xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, giá thép xây dựng trong nước vẫn rất cao, trong khi đó, những khó khăn do việc giá thép tăng phi mã kể từ đầu năm 2021 đến nay vẫn chưa được tháo gỡ. Hơn nữa, các dự báo đưa ra gần đây còn cho thấy, khả năng cao trong đầu năm tới giá thép xây dựng vẫn xu hướng tăng, nên doanh nghiệp cũng không dám ký kết hợp đồng dự án mới vì khả năng thua lỗ là rất lớn.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định, đến thời điểm này, khó khăn của các nhà thầu thời gian qua do ảnh hưởng của giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong đó có giá thép vẫn chưa được tháo gỡ. “Hiện nay, nhà thầu xây dựng đuối nhất là ở những gói thầu đã ký hợp đồng, nhất là những loại hợp đồng đơn giá cố định, trọn gói. Nếu không tháo gỡ được thì nguy cơ phá sản tới đây là rất lớn, bởi càng làm càng lỗ…”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Dự báo về giá thép thời gian tới, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, khi dịch bệnh được kiểm soát, giá thép sẽ ở một mặt bằng mới và dao động phụ thuộc vào thị trường, đặc biệt là nguyên liệu sản xuất thép. Tuy nhiên, với nguồn cung dồi dào trong nước, dự báo giá thép xây dựng cũng sẽ không biến động quá nhiều.

Để hạn chế rủi ro cho các nhà thầu khi giá thép biến động tăng, VSA khuyến nghị các nhà thầu nên đưa ra 2 - 3 phương án dự toán cho dự án, công trình xây dựng để lập phương án khả khi. Đồng thời, nhà thầu cần hợp tác và kết nối lâu dài với các nhà cung cấp thép xây dựng trong nước để cùng chia sẻ hiệu quả và rủi ro; chủ động đề xuất phương án với cơ quan quản lý để có cơ chế và linh hoạt đàm phán, phối hợp với các nhà cung cấp nguyên liệu…

Ông Hiệp cũng đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cần có giải pháp tháo gỡ cho các hợp đồng trọn gói, hợp đồng đơn giá cố định chịu tác động tăng giá quá lớn thời gian qua; đồng thời thường xuyên kiểm tra việc thông báo cập nhật đơn giá của các địa phương để giảm thiểu thiệt hại cho nhà thầu...

Chuyên đề