Gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng” ở các nền kinh tế đang phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sau giai đoạn phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 đang bắt đầu rơi vào tình trạng suy thoái rõ rệt trong bối cảnh các mối đe dọa mới từ các biến thể COVID-19 và sự gia tăng lạm phát, nợ và bất bình đẳng thu nhập. Điều này có thể sẽ cản trở khả năng phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển.
WB dự báo, tăng trưởng toàn cầu ​​sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023
WB dự báo, tăng trưởng toàn cầu ​​sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023

Nhận định trên được đưa ra tại Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của WB. Theo đó, WB dự báo, tăng trưởng toàn cầu ​​sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023 khi các nhu cầu trước đây bị dồn nén giảm đi và các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ thu hẹp lại trên toàn thế giới.

Tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron cho thấy đại dịch có khả năng sẽ tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng giảm tốc đáng kể, ảnh hưởng đến cầu bên ngoài của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Đến thời điểm chính phủ các nước đang phát triển không còn dư địa chính sách để hỗ trợ kinh tế nếu cần, thì các làn sóng dịch COVID-19 mới, những điểm nghẽn cố hữu trong chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát, và tình trạng bất ổn về tài chính leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới có thể làm gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng”.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại sẽ đi kèm với gia tăng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế tiên tiến và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế tiên tiến dự kiến ​​sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023, nếu điều tiết phù hợp tốc độ này sẽ đủ để khôi phục sản lượng và đầu tư ở các nền kinh tế này về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến ​​sẽ giảm từ 6,3% năm 2021 xuống 4,6% năm 2022 và 4,4% năm 2023. Đến năm 2023, dự báo tất cả các nền kinh tế tiên tiến có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn; tuy nhiên sản xuất ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ vẫn thấp hơn 4% so với mức trước đại dịch. Đối với nhiều nền kinh tế dễ bị tổn thương, khoảng cách này thậm chí còn lớn hơn: sản lượng của các nền kinh tế dễ tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột sẽ thấp hơn 7,5% so với xu thế trước đại dịch và sản lượng của các quốc đảo nhỏ sẽ thấp hơn 8,5%.

Lạm phát gia tăng gây cản trở chính sách tiền tệ

Theo WB, tình trạng lạm phát gia tăng đang gây cản trở đối với chính sách tiền tệ. Tỷ lệ lạm phát thế giới và tỷ lệ lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức cao nhất kể từ năm 2008. Tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, lạm phát cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2011. Do đó nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đang thu lại chính sách hỗ trợ để kiềm chế áp lực lạm phát, trong khi nền kinh tế còn rất lâu mới có thể phục hồi.

Chuyên đề