Gói thầu lập quy hoạch huyện Ia H'Drai (Kon Tum): Nhà thầu nào sẽ vượt qua vòng kỹ thuật?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đang bước vào giai đoạn đánh giá đề xuất kỹ thuật. Trước đó, trong quá trình mời thầu có nhiều ý kiến phản đối từ các nhà thầu xoay quanh yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm được cho là giới hạn cạnh tranh, song nhiều đề nghị không được Bên mời thầu tiếp thu, điều chỉnh.
Gói thầu Lập điều chỉnh QH sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và KHSDĐ năm đầu của điều chỉnh QH sử dụng đất huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đang bước vào giai đoạn đánh giá đề xuất kỹ thuật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Gói thầu Lập điều chỉnh QH sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và KHSDĐ năm đầu của điều chỉnh QH sử dụng đất huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum đang bước vào giai đoạn đánh giá đề xuất kỹ thuật. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 3,61 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 6 - 30/8/2024, do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia H'Drai làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu; Công ty TNHH MTV Nguyên Khoa Kon Tum tư vấn lập HSMT.

Ngay sau khi HSMT được phát hành, nhiều nhà thầu đã có văn bản kiến nghị điều chỉnh một số tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm chưa phù hợp với quy định pháp luật chuyên ngành. Cụ thể, HSMT yêu cầu “nhà thầu có kinh nghiệm đã hoạt động tư vấn trong lĩnh vực đo đạc thành lập bản đồ địa chính và đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính”. Trong khi đó, điểm c khoản 1 Điều 23 Nghị định 102/2024/NĐ-CP (quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện) không quy định đơn vị tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực đo đạc thành lập bản đồ địa chính và đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính.

HSMT còn yêu cầu nhà thầu bố trí văn phòng làm việc tại trung tâm huyện Ia H'Drai để thuận tiện trong công tác phối hợp trong thời gian thực hiện Gói thầu. Yêu cầu này bị các nhà thầu cho rằng không chính đáng, không nhằm mục đích đánh giá bản chất năng lực của nhà thầu, mang tính cục bộ, địa phương. Nhà thầu cho rằng, trong giai đoạn dự thầu, việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm cần căn cứ vào giải pháp và phương pháp luận mà nhà thầu đề xuất trong hồ sơ dự thầu.

Về nhân sự, theo quy định tại Nghị định 102/2024/NĐ-CP, tổ chức tư vấn lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện phải có ít nhất 1 chuyên gia tư vấn chủ trì và ít nhất 5 chuyên gia tư vấn có bằng đại học trở lên thuộc chuyên ngành liên quan đến quản lý đất đai, có thời gian công tác trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan. Tuy nhiên, các nhà thầu phản ánh, bên cạnh những vị trí chủ trì, chuyên gia thuộc chuyên ngành liên quan đến quản lý đất đai, HSMT còn yêu cầu các vị trí chuyên ngành: chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế - tài chính; chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng; chuyên gia trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, có kinh nghiệm tham gia thực hiện các gói thầu tư vấn về lập kế hoạch sử dụng đất cấp huyện (quận, thành phố) trở lên trong 3 năm gần đây. Nhà thầu cho rằng, các yêu cầu này là không có cơ sở pháp lý, gây hạn chế nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 35 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Phản hồi kiến nghị, Bên mời thầu lý giải, việc yêu cầu nhà thầu bố trí văn phòng làm việc tại địa phương xuất phát từ quy mô, tính chất phức tạp của gói thầu đang xét. Trong đó, việc phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, hiện trạng môi trường, phân tích, đánh giá các nguồn lực, phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, lấy ý kiến của các sở, ban ngành, đơn vị và nhân dân trên địa bàn… đòi hỏi đơn vị tư vấn phải có mặt tại khu vực dự án để khảo sát số liệu và phối hợp thường xuyên với Chủ đầu tư, các cơ quan chức năng khác.

Bên cạnh đó, Nghị định 102/2024/NĐ-CP chỉ quy định điều kiện tối thiểu mà tổ chức tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải đáp ứng. Theo đó, tùy vào quy mô của gói thầu, Bên mời thầu đưa ra số lượng, vị trí chuyên gia phù hợp nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ. Riêng yêu cầu về kinh nghiệm của tổ chức trong lĩnh vực đo đạc thành lập bản đồ địa chính và đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, Bên mời thầu đồng ý lược bỏ.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia đấu thầu cho biết, pháp luật đấu thầu quy định HSMT không được bao hàm các điều kiện mang tính định hướng, tạo lợi thế hoặc cản trở sự tham gia của một hoặc một số nhà thầu; không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể; các điều kiện khu biệt mà chỉ nhà thầu trên địa bàn mới đáp ứng... Liên quan đến các tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt, vị chuyên gia cho rằng, việc thêm vào HSMT các vị trí nhân sự mà pháp luật chuyên ngành không có quy định về tiêu chuẩn, chức danh có thể gây hạn chế cạnh tranh.

Theo biên bản mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật ngày 30/8/2024, Gói thầu thu hút 4 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Phú Thành; Công ty TNHH MTV Trắc địa Tín Nghĩa; Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp; Trung tâm Điều tra, Quy hoạch và Định giá đất. Trong đó, Công ty TNHH MTV Trắc địa Tín Nghĩa là đơn vị thực hiện Gói thầu Tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của huyện Ia H’Drai; Gói thầu Lập kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của huyện Ia H’Drai…

Chuyên đề