Tăng trưởng ngành sản xuất ASEAN hạ nhiệt

(BĐT) - Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần ngành sản xuất ASEAN của S&P Global đạt 51,1 điểm trong tháng 8/2024, thấp hơn mức 51,6 điểm trong tháng 7/2024. Mặc dù vậy, "sức khỏe" ngành sản xuất ASEAN vẫn cải thiện trong 8 tháng liên tiếp và mức cải thiện về tổng thể là vừa phải.

Dữ liệu của tháng 8 cho thấy xu hướng nhu cầu khách hàng mạnh lên khi số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tổng thể tăng liên tục. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng đã chậm lại. Trong khi đó, nhu cầu chủ yếu tăng ở thị trường trong nước khi doanh số bán hàng cho khách hàng nước ngoài tiếp tục giảm trong tháng 8.

Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã giúp các công ty quyết định tăng cường hơn nữa hoạt động mua hàng vào tháng 8. Tuy nhiên, các nhà sản xuất tiếp tục dùng đến hàng tồn kho, khi cả hàng tồn kho trước và sau sản xuất đều giảm với tốc độ mạnh hơn.

Sau 2 tháng tăng nhẹ việc làm, dữ liệu của tháng 8 cho thấy lực lượng lao động đã giảm trở lại, mặc dù mức giảm là nhẹ. Các nhà sản xuất cũng ghi nhận lượng công việc tồn đọng tăng tháng thứ sáu liên tiếp, cho thấy sức ép lên công suất đã tăng.

Về áp lực lạm phát, các nhà sản xuất hàng hóa tham gia khảo sát cho biết, gánh nặng chi phí tăng với tốc độ vừa phải trong tháng 8. Hơn nữa, áp lực giá cả là yếu hơn so với dữ liệu lịch sử.

Cuối cùng, các công ty vẫn lạc quan về tăng trưởng sản lượng trong năm tới. Kỳ vọng của các nhà sản xuất là cao nhất kể từ tháng 2. Tuy nhiên, chỉ số hiện nay đã thấp hơn mức trung bình dài hạn trong 22 tháng liên tiếp.

Bình luận về dữ liệu Chỉ số PMI ngành sản xuất ASEAN, Maryam Baluch - Chuyên gia kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho biết: "Ngành sản xuất ASEAN đã được hưởng lợi từ xu hướng nhu cầu khách hàng mạnh lên, khi số lượng đơn đặt hàng mới tăng liên tục, từ đó khuyến khích các công ty tăng sản lượng trong tháng 8. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy sự giảm nhẹ trong tháng khi nhu cầu khách hàng nước ngoài suy yếu tiếp tục gây cản trở cho tăng trưởng. Bức tranh về việc làm trông có vẻ u ám. Mặc dù sức ép lên công suất tăng, các công ty vẫn ghi nhận số lượng lao động giảm trở lại, mặc dù mức giảm chỉ là nhẹ. Thay vào đó, các công ty quyết định tiếp tục giảm lượng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu kinh doanh".

Chuyên đề

Kết nối đầu tư