Gia tăng áp lực mục tiêu tăng trưởng 2023

(BĐT) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2023. Trong bối cảnh này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là rất thách thức. Song, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn có động lực để có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.
GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2023. Ảnh: Lê Tiên
GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2023. Ảnh: Lê Tiên

Theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra là sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 0,37%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,45%; ngành khai khoáng giảm 1,43%.

Bên cạnh động lực sản xuất công nghiệp trì trệ, du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, bị tác động bởi khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đơn hàng xuất khẩu giảm sút do nhu cầu tại Hoa Kỳ và khu vực đồng Euro yếu đi. Giải ngân vốn đầu tư công - một động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng - cũng chưa có cải thiện đáng kể. Một số thị trường then chốt, như: tiền tệ, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản và lao động... đang bộc lộ rủi ro, thanh khoản eo hẹp hơn; doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương, mặc dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm không như kỳ vọng, nhưng đây là mức tăng trưởng phù hợp trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu hiện nay.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó Vụ trưởng Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, mức tăng trưởng GDP của 6 tháng cuối năm phải đạt trên 9%. Trong đó, các khu vực, ngành kinh tế phải có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như: công nghiệp chế biến chế tạo (tăng trên 13,4%), sản xuất và phân phối điện (tăng 13,6%), xây dựng (đạt trên 8,7%), bán buôn, bán lẻ tăng trên 8,5%, vận tải kho bãi tăng trên 9,2%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng trên 12,3%... Bà Hạnh cho rằng, trong bối cảnh các khó khăn, thách thức vẫn chưa thực sự chấm dứt, việc đạt được mức tăng như trên trong 6 tháng cuối năm là một bài toán khó.

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao Ảnh: Lê Tiên

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao Ảnh: Lê Tiên

Bà Nguyễn Thị Hương cho biết thêm, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các quý tiếp theo trên cơ sở dự báo bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm. Bà Hương cho rằng, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu với một số động lực chính.

Cụ thể, đầu tư công đang được ráo riết đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2023 là năm có kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn (trên 800.000 tỷ đồng) bao gồm cả vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã cơ bản hoàn thành thủ tục, đến thời điểm này sẽ tập trung triển khai thực hiện. Nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 cũng đã hoàn tất thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư công năm nay tích cực hơn các năm trước. Nhiều ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải, ngành sản xuất vật liệu xây dựng...

Hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ. Hoạt động xuất khẩu nông nghiệp và thủy sản tiếp tục ổn định; nhiều sản phẩm đang vào mùa có khả năng xuất khẩu cao. 6 tháng đầu năm xuất khẩu hàng nông, thủy sản đạt gần 14 tỷ USD. Chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và kích cầu tiêu dùng…

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, 72,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định (34,3% tốt hơn, 38,3% giữ ổn định), 27,4% đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn. Đánh giá này lạc quan hơn nhận định quý II so với quý I (27,5% tốt hơn và 36,7% giữ ổn định). Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.

Mặt khác, việc tăng lương cơ sở từ tháng 7 sẽ là nhân tố kích thích nhu cầu tiêu dùng do tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Đồng thời, lạm phát được kiểm soát hiệu quả cũng là một yếu tố hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng 9% trong 6 tháng cuối năm 2023, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc của cả 4 thành tố tạo nên tăng trưởng (đầu tư công, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, xuất khẩu ròng). Theo nhiều ý kiến, đây là kỳ vọng thách thức trong bối cảnh môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế đều bộn bề khó khăn.

Chuyên đề