Giả mạo bằng cấp nhân sự, trách nhiệm thuộc về ai?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, nhiều hồ sơ dự thầu (HSDT) tại các gói thầu xây lắp được tổ chuyên gia, bên mời thầu xác minh, làm rõ về việc giả mạo, không trung thực đối với bằng cấp của nhân sự chủ chốt. Nhiều nhà thầu “đổ” cho các nhân sự đã “lừa dối” nhà thầu khi sử dụng bằng cấp giả, trong khi ý kiến chuyên gia cho rằng, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác trong HSDT…
Việc sử dụng bằng cấp giả mạo chứng minh năng lực của nhân sự chủ chốt xảy ra tại không ít gói thầu xây lắp trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Việc sử dụng bằng cấp giả mạo chứng minh năng lực của nhân sự chủ chốt xảy ra tại không ít gói thầu xây lắp trong thời gian qua. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Công ty CP Tư vấn Xây dựng kiểm định Toàn Cầu (BMT) vừa công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 5 Thi công xây dựng các hạng mục của Trạm kiểm soát Biên phòng Xẻo Nhàu. Công ty CP Phát triển Phúc Khang trúng thầu với giá 7,77 tỷ đồng.

Tại Gói thầu này, HSDT của Công ty TNHH Trường Tín bị đánh giá không đạt về năng lực, kinh nghiệm, cụ thể là không đạt về nhân sự chủ chốt. Theo Báo cáo đánh giá HSDT, HSDT của Trường Tín đề xuất cán bộ kỹ thuật phụ trách phần hạ tầng cấp thoát nước là ông Nguyễn Văn Nội (các tài liệu chứng minh: bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành cấp thoát nước, kinh nghiệm 10 năm, đã từng làm cán bộ kỹ thuật phụ trách phần điện của 1 công trình tương tự) và cán bộ kỹ thuật phụ trách phần an toàn và vệ sinh môi trường là bà Lê Thị Mỹ Linh (các tài liệu chứng minh: bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành bảo hộ lao động, kinh nghiệm 9 năm…).

Trong thời gian đánh giá HSDT, Bên mời thầu đã gửi yêu cầu làm rõ, bổ sung HSDT; đồng thời gửi công văn đến Trường Đại học Tôn Đức Thắng về việc xác minh văn bằng của 2 nhân sự trên. Trong công văn phúc đáp, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xác nhận “không cấp bằng tốt nghiệp đại học” cho 2 nhân sự này.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Trường Tín cho biết, khi tuyển dụng nhân sự, Nhà thầu không biết các nhân sự nêu trên sử dụng bằng tốt nghiệp đại học giả mạo. Khi các bằng tốt nghiệp được Bên mời thầu xác minh thì Nhà thầu mới biết. Nhà thầu đã có đề xuất về việc thay thế đối với 2 nhân sự này nhưng không được Bên mời thầu chấp thuận. Hiện Nhà thầu đã cho nghỉ việc đối với 2 nhân sự này.

Theo khảo sát, việc sử dụng bằng cấp không có thực của nhân sự chủ chốt xảy ra tại không ít gói thầu xây lắp trong thời gian qua.

Đơn cử, Công ty CP Tư vấn xây dựng và Thương mại Sài Gòn DCD vừa công khai kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Thi công xây lắp thuộc Dự án Xây dựng thêm 9 phòng học Trường THCS Thái Hoà (TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Tại gói thầu này, Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng Gia Thắng - Gia Thy có HSDT không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm. Cụ thể, Liên danh nhà thầu đề xuất ông Nguyễn Phương Quang (nhân sự của Công ty CP Đầu tư xây dựng Gia Thắng) làm Chỉ huy trưởng. Do có nghi vấn về tính xác thực của bằng tốt nghiệp đại học ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp do Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cấp ngày 10/8/2011 của nhân sự này, bên mời thầu đã đề nghị Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (tên hiện nay của Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) xác minh văn bằng. Ngày 8/3/2023, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM xác nhận “kết quả học tập và hồ sơ sinh viên của nhân sự nêu trên không có trong hồ sơ lưu trữ của nhà trường”.

Công ty CP Tư vấn xây dựng và Thương mại Sài Gòn DCD cho biết, do kê khai nhân sự không hợp lệ, theo Khoản 1, 2 và 4 Điều 30 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT, Liên danh nhà thầu không được thay thế nhân sự.

Gói thầu số 1 Thi công các hạng mục công trình thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp Trường THPT Vĩnh Long được Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long mời thầu cũng gặp tình trạng tương tự. HSDT của Công ty CP Công nghiệp Xây dựng Toàn Thành đề xuất nhân sự là ông Huỳnh Tấn Vũ với tài liệu chứng minh năng lực là bằng tốt nghiệp đại học do Trường Đại học Tôn Đức Thắng cấp. Qua quá trình xem xét, Tổ chuyên gia nhận thấy hình thức phôi bằng của ông Huỳnh Tấn Vũ có sự khác biệt so với các cá nhân khác được cấp văn bằng cùng loại nên đã gửi văn bản tới Trường Đại học Tôn Đức Thắng đề nghị xác minh. Trong văn bản phản hồi, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xác nhận không cấp bằng tốt nghiệp đại học cho nhân sự này.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia đấu thầu nêu quan điểm, nhà thầu phải có trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các tài liệu, thông tin mà nhà thầu đưa ra trong HSDT. Trường hợp nhân sự gian lận đối với các bằng cấp trong hồ sơ tự khai của mình thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm liên đới vì đã quan liêu, thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng nhân sự, không kiểm tra tính xác thực đối với các tài liệu của nhân sự thuộc quyền quản lý của nhà thầu và HSDT.

Theo vị chuyên gia này, tùy từng trường hợp, tính chất, mức độ trong từng sự việc, chủ đầu tư, bên mời thầu đưa ra các hình thức xử lý đối với nhà thầu có HSDT thiếu trung thực như cảnh cáo, nhắc nhở, xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có) để răn đe. Ngoài việc bị xử lý như trên, chủ đầu tư có thể đề xuất cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các tổ chức, cá nhân gian lận.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư