Gia hạn thời gian phát hành Hồ sơ mời thầu: Sự “non tay” dẫn tới nhiều hệ lụy

(BĐT) - Thời gian qua, hiện tượng nhiều bên mời thầu (BMT) phải gia hạn thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT), lùi thời điểm đóng thầu ngày càng phổ biến. 
Gói thầu thiết bị y tế tại Kiên Giang bị gia hạn 7 lần do HSMT “có vấn đề” khiến nhà thầu mất rất nhiều công sức khi phải chạy theo quá trình gia hạn này. Ảnh: Tiên Giang
Gói thầu thiết bị y tế tại Kiên Giang bị gia hạn 7 lần do HSMT “có vấn đề” khiến nhà thầu mất rất nhiều công sức khi phải chạy theo quá trình gia hạn này. Ảnh: Tiên Giang

Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan bắt buộc phải gia hạn như: không có hoặc quá ít nhà thầu quan tâm, có điều chỉnh một số nội dung của HSMT… thì thực tế, rất nhiều gói thầu đã mất thêm thời gian vì HSMT có nhiều tiêu chí chưa phù hợp, phải rà soát, kiểm tra lại.

Từ hai, ba… đến bảy lần

Khảo sát sơ bộ cũng như trao đổi trực tiếp với nhiều BMT thời gian qua cho thấy, có nhiều gói thầu đã buộc phải gia hạn thời gian phát hành HSMT do chất lượng của HSMT. Thậm chí, tổng hợp báo cáo công tác đấu thầu từ nhiều địa phương như Bắc Kạn, Lạng Sơn, Trà Vinh, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định… cũng cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại các địa phương này cũng không hài lòng về việc tuân thủ quy định pháp luật khi xây dựng HSMT.

Việc gia hạn thời gian phát hành HSMT để đính chính, điều chỉnh, thậm chí là cắt bỏ những tiêu chí đi ngược lại các quy định pháp luật về đấu thầu, dẫu sao cũng là động thái tích cực sửa sai. Điều này chỉ xảy ra với những BMT có tinh thần cầu thị, có trách nhiệm khi rà soát lại toàn bộ nội dung của HSMT.

Tuy nhiên, nếu xét toàn diện, sự “non tay”, “năng lực yếu” thậm chí có ý đồ cố tình tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh khi xây dựng HSMT đã và đang dẫn tới nhiều hệ lụy. Hiện nay, có những gói thầu phải liên tục gia hạn thời gian phát hành HSMT từ 2 đến 3 lần. Nếu mỗi lần gia hạn trung bình từ 5 đến 7 ngày, việc gia hạn đã kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu thêm ít nhất nửa tháng. Cá biệt, có những gói thầu bị gia hạn đến 5 lần, thậm chí là 7 lần, khiến thời gian thực hiện gói thầu bị lùi đến… nửa năm, nguy cơ “vỡ” tiến độ dự án rất cao.

Chính các tiêu chí làm hạn chế sự tham gia của  nhà thầu như yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải có hợp đồng dài hạn với nhà thầu, thiết bị phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê; quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn yêu cầu của gói thầu, nêu đích danh xuất xứ của hàng hóa, cố tình nâng quá cao giá trị hợp đồng tương tự… xuất hiện nhiều trong các bộ HSMT, bị nhà thầu kiến nghị, dẫn tới tình trạng kéo dài thời gian tổ chức đấu thầu. Việc kéo dài làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ chung của các dự án. Tiến độ giải ngân các dự án cũng vì vậy mà bị ảnh hưởng, chất lượng đầu tư bị tác động xấu bởi chính những người ra “đề bài” trong đấu thầu. 

Thiệt hại nhà thầu, ai tính đến?

Hiện nay, có những gói thầu phải liên tục gia hạn thời gian phát hành HSMT từ 2 đến 3 lần. Nếu mỗi lần gia hạn trung bình từ 5 đến 7 ngày, việc gia hạn đã kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu thêm ít nhất nửa tháng. Cá biệt, có những gói thầu bị gia hạn đến 5 lần, thậm chí là 7 lần, khiến thời gian thực hiện gói thầu bị lùi đến… nửa năm.
Gia hạn phát hành HSMT vì nguyên nhân khách quan, vì tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu dự thầu là đáng chia sẻ. Nhưng gia hạn thời gian phát hành HSMT do chính… HSMT có vấn đề thì lại là câu chuyện khác. HSMT đã được Bộ KH&ĐT xây dựng các mẫu chuẩn mực, cụ thể hóa bằng những thông tư hướng dẫn đầy đủ. Ấy vậy mà áp dụng vào thực tế, nhiều BMT đang làm méo mó đi rất nhiều các mẫu HSMT này. Do đó, nếu gia hạn thời điểm đóng thầu do HSMT “có vấn đề” thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về người lập HSMT, chủ đầu tư và các đơn vị thẩm định, phê duyệt.

Trong khi đó, đối với các nhà thầu, đeo đuổi một gói thầu liên tục bị gia hạn là một hành trình nhiều cam go, vất vả. “Một gói thầu bị gia hạn, tức là toàn bộ các nội dung liên quan đến thời gian hiệu lực của hồ sơ dự thầu (HSDT), đặc biệt là bảo lãnh dự thầu, phải điều chỉnh lại. Công sức của nhà thầu bỏ ra để cập nhật, bổ sung, điều chỉnh những nội dung này không BMT nào đề cập đến mặc dù lý do gia hạn là bởi HSMT mắc lỗi. HSDT của nhà thầu đôi khi chỉ vì một chữ, một dấu phẩy đã bị loại. Nhưng HSMT có nhiều vi phạm thì thường là… “đóng cửa bảo nhau”, đến tư vấn cũng không bị nhắc nhở”, một nhà thầu thi công trong lĩnh vực thủy lợi chia sẻ.

Một nhà thầu cung cấp thiết bị y tế tại Hà Nội khi tham gia gói thầu bị gia hạn 7 lần tại Kiên Giang đã than thở: “Công sức, chi phí của nhà thầu bỏ ra với những gói thầu này thật khó định lượng. Chúng tôi phải liên tục cập nhật tình trạng gia hạn, thời điểm đóng/mở thầu mới để điều chỉnh HSDT, thực hiện thủ tục với ngân hàng cấp thư bảo lãnh dự thầu. Với bản thân cán bộ được giao phụ trách tham dự gói thầu, áp lực hoàn thành công việc là rất lớn”.

Trong lễ mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật một gói thầu xây lắp lớn tại TP.HCM vừa qua, do gói thầu phải gia hạn thời gian phát hành HSMT, nên có tình trạng 2 trong 3 nhà thầu tham dự thầu không tuân thủ quy định của HSMT về bảo lãnh dự thầu. Theo đó, cả hai nhà thầu này đều chỉ cung cấp thư bảo lãnh dự thầu theo thông báo mời thầu cũ. Như vậy, nếu xét theo quy định, các bảo lãnh dự thầu này đã có thời gian hiệu lực bị thiếu đúng với thời gian gia hạn. Đương nhiên, do là điều kiện tiên quyết nên chắc chắn cả hai nhà thầu này bị loại ngay từ vòng kỹ thuật.

Chuyên đề