Dự án làm đường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Hết hạn hợp đồng vẫn ngổn ngang vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo loại hợp đồng BT đã hết hạn hợp đồng, quá hạn hoàn thành nhưng vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ. Chi phí lãi vay lên tới trên 2.000 tỷ đồng cộng với chi phí duy tu, bảo dưỡng các hạng mục đã hoàn thành tiếp tục đè nặng trên vai nhà đầu tư Đại Quang Minh.
Bốn tuyến đường R1, R2, R3, R4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng chiều dài 11,9 km, tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
Bốn tuyến đường R1, R2, R3, R4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng chiều dài 11,9 km, tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình giao thông TP.HCM, sau 10 năm triển khai, 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa thể hoàn thành do ách tắc mặt bằng. Cần có biện pháp hữu hiệu gỡ vướng cho nhà đầu tư cũng như đồng bộ hạ tầng cho khu đô thị này trong thời gian sớm nhất.

Dự án được đầu tư theo loại hợp đồng BT, do Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh là nhà đầu tư. Theo kế hoạch, thời gian thực hiện Dự án từ năm 2013 - 2016, trong đó thời gian thi công là 36 tháng. Thực tế, thời gian thực hiện hợp đồng Dự án từ 15/2/2014 đến 15/2/2017. Tổng mức đầu tư của Dự án là 8.265 tỷ đồng.

Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM cho biết, đến nay, Dự án đã thi công ước đạt 88% khối lượng, chậm so với kế hoạch.

Sau khi khởi công, do vướng mặt bằng nên Dự án tạm ngưng thi công từ trước tháng 2/2018. Tháng 11/2023, Nhà đầu tư nhận bàn giao mặt bằng tuyến R3 (đoạn từ Nhà thờ Thủ Thiêm đến hầm vượt sông Sài Gòn), hiện Nhà đầu tư đang cùng các đơn vị thi công tại phân đoạn trên. “Ban đã thực hiện 9 đợt xác nhận khối lượng với giá trị 104,79 tỷ đồng (tháng 6/2021) và đợt 10 (tháng 10/2022) giá trị 209,33 tỷ đồng. Hiện nay, Nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ đợt 11”, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM cho biết.

Bốn tuyến đường R1, R2, R3, R4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng chiều dài 11,9 km, chiều rộng mặt cắt ngang 11,6 - 55 m, được xem như "xương sống" của Khu đô thị. Sau khi hoàn thành, 4 tuyến đường chính sẽ cùng với hệ thống giao thông hiện hữu như cầu Thủ Thiêm 1, đại lộ Đông Tây và các cầu qua sông Sài Gòn theo quy hoạch (Thủ Thiêm 2, Thủ Thiêm 3, Thủ Thiêm 4) hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, 4 tuyến đường trên vẫn dang dở sau nhiều năm triển khai. Với những đoạn đã hoàn thành, do chưa được bàn giao chính thức cho cơ quan quản lý nhà nước nên không được duy tu, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp. Tình trạng cỏ lấn chiếm bề mặt vỉa hè, rác thải ngổn ngang, mắt cắp các hạng mục… tạo bộ mặt nhếch nhác cho khu đô thị.

Nhà đầu tư cho biết, hơn 5 năm qua, Nhà đầu tư vẫn chủ động bỏ kinh phí duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, do không có thẩm quyền liên quan vấn đề an ninh trật tự dẫn đến phát sinh nhiều bất cập như tình trạng mất cắp nắp cống, dây điện, xả rác bừa bãi… gây mất mỹ quan khu vực.

Nguyên nhân chậm tiến độ được Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM chia sẻ là do UBND TP. Thủ Đức vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải tỏa để bàn giao mặt bằng cho Nhà đầu tư thực hiện các hạng mục còn lại theo hợp đồng BT. Dự án cũng chưa được cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư (điều chỉnh thời gian thực hiện, thiết kế cơ sở…), điều chỉnh hợp đồng BT. Đồng thời, về công tác giám sát nhà nước, đề cương nhiệm vụ - dự toán giám sát nhà nước điều chỉnh đã được Ban trình Sở Giao thông vận tải nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở ký phụ lục hợp đồng tư vấn giám sát nhà nước. Điều này gây khó khăn cho công tác thực hiện giám sát nhà nước.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, tháo gỡ loạt vướng mắc trên, Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông TP.HCM cho biết, TP. Thủ Đức cần sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao cho Nhà đầu tư. Đồng thời, Sở Giao thông vận tải cần sớm hoàn tất thủ tục thẩm định dự án đầu tư điều chỉnh (bao gồm điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh thiết kế cơ sở, điều chỉnh đề cương nhiệm vụ - dự toán giám sát nhà nước), từ đó có cơ sở trình cấp thẩm quyền phê duyệt để Nhà đầu tư triển khai thi công hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án.

Chuyên đề