Giá điện là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát năm 2018. Ảnh: Huấn Anh |
Bên cạnh đó, do nhu cầu mua sắm tháng giáp Tết, nhóm lương thực và thực phẩm tăng khá cao, lần lượt 0,47% và 0,56% so với tháng trước.
Phân rã các thành phần của lạm phát cho thấy yếu tố mùa vụ đóng góp làm CPI tăng khoảng 0,2 điểm % so với cùng kỳ. Mặt khác, thành phần xu thế của lạm phát có chiều hướng tiếp tục tăng, cao hơn khoảng 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu CPI năm 2018 sẽ có xu thế tăng cao hơn so với năm 2017 nếu lộ trình tăng giá dịch vụ công không được kiểm soát chặt chẽ.
Theo đánh giá của UBGSTCQG, áp lực lạm phát năm 2018 chủ yếu từ việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ công và giá thực phẩm, do giá dịch vụ công năm 2018 tiếp tục được điều chỉnh theo lộ trình tăng giá giai đoạn 2016 - 2020 (dự báo đóng góp vào lạm phát tổng thể khoảng 2 - 2,5 điểm %), trong khi giá thực phẩm năm 2018 nhiều khả năng sẽ tăng mạnh hơn.
Trong báo cáo tình hình kinh tế - tài chính năm 2017 và triển vọng năm 2018, UBGSTCQG cũng nhận định, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 dự báo duy trì ở mức tương đương năm trước (dưới 4%). Tuy nhiên, lạm phát 2018 sẽ chịu nhiều áp lực từ giá điện. Cụ thể, nếu giá điện tăng 8 - 10% sẽ góp phần làm lạm phát tăng 0,1 - 0,15 điểm %.