Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg. |
Nối tiếp đà tăng thời gian gần đây, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London – giá tham chiếu của thị dầu lửa toàn cầu – ngày 28/9 đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York cũng tăng mạnh. Lúc hơn 18h theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent đứng ở mức 80,03 USD/thùng và giá dầu WTI giao dịch ở mức 76,15 USD/thùng, theo dữ liệu từ CNBC.
Đợt tăng giá này của dầu diễn ra khi các ngân hàng và nhà giao dịch đồng loạt nâng dự báo giá “vàng đen”, trên cơ sở cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng mạnh trong mùa đông năm nay, trong khi ngành công nghiệp dầu lửa không đầu tư đủ mức để duy trì nguồn cung.
Việc giá dầu vượt mốc 80 USD/thùng cũng làm gia tăng áp lực lạm phát lên nền kinh tế toàn cầu, vào thời điểm mà giá của nhiều hàng hoá năng lượng khác cũng tăng vọt. Tại châu Âu, giá khí đốt, giá tín chỉ carbon, và giá điện đều lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày 28/9, và chưa có dấu hiệu nào cho thấy đợt tăng giá này sẽ sớm hạ nhiệt.
Giá dầu đã phục hồi mạnh mẽ từ đợt sụt giảm “kinh hoàng” trong năm 2020. Động lực cho sự phục hồi bao gồm nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, hay còn gọi là nhóm OPEC+, và sự khởi sắc kinh tế toàn cầu kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo rằng giá dầu có thể đạt 90 USD/thùng trong năm nay, khi lượng tồn kho dầu toàn cầu giảm sâu hơn.
Trong một hội thảo trực tuyến, nhà giao dịch Chris Bake thuộc Vitol Group, công ty giao dịch dầu lửa độc lập lớn nhất thế giới, cho rằng OPEC+ thận chí phải xem xét tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày so với kế hoạch hiện tại.
Thị trường dầu hiện nay là “một bức tranh khác so với cách đây 1 tháng hoặc 6 tuần. Nhu cầu đang rất tốt”, ông Bake nói.
Diễn biến giá dầu Brent. Đơn vị: USD/thùng. |
Diễn biến giá dầu trong thời gian còn lại của năm 2021 sẽ tuỳ thuộc nhiều vào mùa đông ở bán cầu Bắc sẽ lạnh như thế nào. Giới phân tích đã đưa ra một loạt dự báo về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu do tác động của những yếu tố như giá khí đốt tăng và nhiệt độ xuống thấp trong những tháng mùa đông, với mức tăng trưởng dao động từ vài trăm nghìn thùng tới 2 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Sự phục hồi của giá dầu diễn ra bất chấp nhu cầu xăng hàng không – một thành phần chủ chốt của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu – vẫn ở vùng đáy do ảnh thưởng của đại dịch. Trái với tình hình của ngành hàng không, các bộ phận khác của nhu cầu tiêu thụ dầu đều đã khởi sắc mạnh, từ dầu để sản xuất nhựa, cho tới dầu dùng trong các quy trình của ngành sản xuất như dầu diesel.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, Chủ tịch Eugene Leong của hãng dầu lửa BP tại Singapore cho rằng đến quý 3/2022, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể quay trở lại mức trước đại dịch.
Trong những năm gần đây, các hãng dầu lửa lớn ít dầu tư vào sản xuất, mà thay vào đó tăng cường việc trả cổ tức cho cổ đông. Đây là một lý do khiến giá dầu còn có thể tăng cao hơn, vì năng lực sản xuất có thể sẽ không tăng kịp để đáp ứng nhu cầu.
“Giá dầu Brent đã lên tới 80 USD/thùng, và nếu nhìn vào số giàn khoan dầu ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, có thể thấy rằng mức giá dầu 80 USD/thùng vẫn chưa phải là đủ cao”, ông Jeff Currie, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản của Goldman Sachs, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg TV.