Báo cáo này được xem là tập hợp tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đây là kết quả khảo sát gần 11.000 doanh nghiệp dân doanh trong nước và 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh công bố bảng xếp hạng về chất lượng điều hành của các địa phương trong năm 2018, Báo cáo năm nay còn cung cấp góc nhìn đa chiều về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Báo cáo PCI 2018 cũng phân tích về ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam trước những biến động lớn của thương mại quốc tế, dành một chương riêng phân tích về thực trạng và lý giải nguyên nhân khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa tham gia được sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Năm 2017, Quảng Ninh là địa phương dẫn đầu Bảng xếp hạng PCI, tiếp đó là Đà Nẵng, Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Quảng Nam... Những tỉnh có cải thiện lớn nhất là Bạc Liêu, Hà Tĩnh, Thái Bình, Quảng Ninh, Long An... Một số lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực được ghi nhận là chi phí gia nhập thị trường, tính năng động, đào tạo lao động và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số điểm đáng quan ngại như sự “dậm chân tại chỗ” của các tiêu chí về tính minh bạch, thiết chế pháp lý. Trong khi nhiều chỉ số được đánh giá tích cực như chi phí không chính thức giảm, thủ tục hành chính được cải thiện, an ninh trật tự được đảm bảo, thì doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất...