Việc chậm ban hành khung khổ pháp lý về fintech có thể cản trở sự phát triển và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam |
Đã có những nghi ngại về tình trạng biến tướng của hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending) ở Việt Nam, một số vụ việc lừa đảo núp bóng tiền ảo đã gây tổn thất lớn cho nhiều người dân. Song đến nay, một hành lang pháp lý thử nghiệm với các hoạt động này vẫn chưa được ban hành.
Bình luận về điều này, ông Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thận trọng trong quản lý các mô hình kinh tế mới là cần thiết nhưng chậm ban hành các văn bản pháp lý có thể gây thiệt thòi cho doanh nghiệp và nền kinh tế và chúng ta bị chậm chân trong việc tiếp thu các công nghệ mới.
Theo đó, có không ít doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) nước ngoài mang ứng dụng fintech đã thử nghiệm tốt ở thị trường nước ngoài vào Việt Nam. Trong khi đó, với cùng ứng dụng, nhiều doanh nghiệp của chúng ta vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm thị trường. Mặt khác, khi chưa hình thành khung khổ pháp lý thử nghiệm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam không dám phát triển vì ngại rủi ro pháp lý.
Chia sẻ quan điểm về những rủi ro có thể xảy ra với các mô hình kinh tế mới này, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng, trong sự vận hành của kinh tế thị trường, không thể tránh được những rủi ro, thậm chí đổ vỡ của một hay một vài doanh nghiệp. Đó là sự vận động tự nhiên theo quy luật của thị trường.
Theo ông Minh, mọi phát minh sáng chế trụ được trên thị trường có nghĩa là có giá trị ưu việt. Điều quan trọng là bên cạnh sự điều tiết tự nhiên của thị trường, cần có sự giám sát và quản lý của cơ quan chức năng để tránh tổn thất cho người tiêu dùng và bảo đảm thị trường vận hành lành mạnh.
“Theo tôi được biết, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã tính đến việc xây dựng hành lang pháp lý cho kinh tế chia sẻ nói chung và khung khổ pháp lý thử nghiệm với fintech từ lâu. Tuy nhiên, quy trình xây dựng pháp lý của chúng ta cần trải qua nhiều tầng lớp thủ tục, đòi hỏi sự đồng thuận của nhiều phía nên trong nhiều trường hợp bị chậm. Dù vậy, việc ban hành khung pháp lý thử nghiệm là cần thiết để cả cơ quan chức năng và thị trường hiểu được cách thức vận hành và rủi ro tiềm ẩn của các mô hình fintech mới. Từ đó, tiếp tục củng cố để có khung pháp lý chính thức với chế tài cụ thể cho các hành vi vi phạm”, ông Minh nói thêm.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Nexttech Group kiến nghị: “Những đổ vỡ trên thị trường cho vay ngang hàng của Trung Quốc là bài học có ý nghĩa cho Việt Nam. Để tránh tình trạng đó, chúng ta cần sớm có khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động này. Qua đó, các công ty hoạt động tốt, có năng lực kiểm soát rủi ro sẽ tồn tại, ngược lại, các công ty quản lý lỏng lẻo, biến tướng sẽ bị hạn chế hoạt động và thị trường sẽ lành mạnh hơn”, ông Bình nói.
Ngày 12/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Theo đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế quản lý thử nghiệm cho hoạt động fintech trong ngân hàng và nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng.
Bình luận về điều này, ông Đinh Tuấn Minh cho rằng, cần rút ngắn thời gian từ lúc quyết định này được ban hành đến lúc có các khuôn khổ pháp lý chính thức cho hoạt động của kinh tế chia sẻ nói chung và fintech nói riêng.