EuroCham đưa ra nhiều khuyến nghị để thu hút nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng. Ảnh: Lê Tiên |
Cũng trong ấn phẩm này, các thành viên EuroCham đã đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng với mong muốn môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện hơn nữa.
Gia tăng niềm tin
Theo đánh giá của EuroCham, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý. Điều này đã giúp các nhà đầu tư nói chung và các DN châu Âu nói riêng tiếp tục tin tưởng vào sự ổn định, yếu tố khiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam đạt mức cao trong những năm trở lại đây.
Cùng với đó, các thành viên EuroCham rất phấn khởi trước những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, phát triển bền vững với tinh thần phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, so với Sách Trắng 2016 thì ấn phẩm năm nay cho thấy cách nhìn nhận của doanh nghiệp châu Âu về Việt Nam đã có sự thay đổi, cụ thể là ở niềm tin vào thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam được đánh giá là có bước cải thiện rõ rệt so với năm ngoái.
Nhận định này là có cơ sở bởi điều tra mới nhất của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng cho thấy sự lạc quan của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam tăng lên. Điều này thể hiện rõ ở việc số lượng các doanh nghiệp Nhật có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong năm tới có xu hướng tăng so với những năm trước đây. Xét trong tương quan so sánh giữa thị trường Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khu vực thì Việt Nam cũng là địa bàn đầu tư, kinh doanh hấp dẫn của các doanh nghiệp nước ngoài.
Hướng tới các dự án hạ tầng
Đề cập về vấn đề khung pháp lý cho đầu tư phát triển hạ tầng, EuroCham cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành cải cách pháp lý nhằm tăng cường đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với việc ban hành 2 nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu cho rằng, khung pháp lý này vẫn còn một số điểm thiếu sót và chưa thống nhất, cụ thể là trong khía cạnh phân bổ rủi ro và bảo hộ pháp lý để có thể tạo cơ sở cho việc đầu tư và tài trợ vốn xuyên biên giới lớn từ nước ngoài. Do vậy, trong Sách trắng 2017, các doanh nghiệp châu Âu kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần cập nhật danh sách các dự án trọng điểm trong Quyết định số 631/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020, nhất là trong các lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm như giao thông vận tải, ưu tiên những dự án PPP khả thi; khởi động quỹ phát triển dự án và áp dụng quy trình đánh giá, sàng lọc theo tiêu chuẩn quốc tế cho các dự án tiềm năng; đưa những dự án được chọn ra đấu thầu công khai, cạnh tranh và minh bạch theo quy định của Luật Đấu thầu.
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cũng đề xuất cho phép các đơn vị tài trợ hàng đầu trên thế giới triển khai phát triển dự án làm thí điểm trong những lĩnh vực có tính ưu tiên cao để xây dựng được chuẩn mực cơ bản về công tác xây dựng, quản lý tài liệu dự án và phân bổ chi phí để dự án có thể mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, Việt Nam được khuyến nghị cần tiếp tục đơn giản hóa các chính sách và hướng dẫn liên quan đến dự án PPP để thu hút nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng một số yếu tố then chốt như khả năng cấp và giải ngân nguồn vốn từ quỹ bù đắp tài chính. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam có thể thí điểm áp dụng các quy định này trong các dự án khả thi để nhà đầu tư có thể yên tâm với các diễn giải những quy định này trong bối cảnh phát triển 1 dự án PPP.