Đường vành đai phía Tây 2 (Đà Nẵng): Dự án nghìn tỷ đội vốn vì chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công trình hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng đường Vành đai phía Tây 2 tại TP. Đà Nẵng sử dụng vốn vay ODA đến thời điểm này vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về giải phóng mặt bằng. Theo đánh giá của TP. Đà Nẵng, Dự án không thể hoàn thành theo kế hoạch là năm 2022.
Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng công trình đường Vành đai phía Tây 2 TP. Đà Nẵng tăng từ hơn 87 tỷ đồng lên hơn 1.800 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Chi phí đền bù giải phóng mặt bằng công trình đường Vành đai phía Tây 2 TP. Đà Nẵng tăng từ hơn 87 tỷ đồng lên hơn 1.800 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Đường Vành đai phía Tây 2 thuộc Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông TP. Đà Nẵng, là một trong những công trình trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Dự án có tổng mức đầu tư quy đổi là 1.427 tỷ đồng, tương đương 61,37 triệu USD, từ vốn vay Quỹ OPEC và vốn đối ứng của UBND TP. Đà Nẵng, thời gian thực hiện năm 2017 - 2022.

Theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện Dự án được đăng tải tháng 7/2019, Gói thầu 06-OFID.EC Khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và xây dựng công trình đường Vành đai phía Tây 2 có giá dự toán 1.041 tỷ đồng. Kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt ngày 16/11/2019. Liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng KCON - Công ty CP Tập đoàn CIENCO 4 - Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nhất Huy trúng thầu với giá 1.022 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 18 tháng.

Công trình có điểm đầu tại nút giao Quốc lộ 14B (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) đến nút giao đường tránh Nam hầm Hải Vân (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Chiều dài toàn tuyến là 14,3 km. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng, kết nối với các trục giao thông vành đai của Đà Nẵng.

Theo UBND TP. Đà Nẵng, tiến độ thi công đường Vành đai phía Tây 2 chậm so với hợp đồng đã ký kết. Nguyên nhân là do trên tuyến có một số vị trí phải điều chỉnh quy hoạch theo chủ trương và chưa được phê duyệt nên công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các hạng mục công trình và công tác thu hồi đất chưa thể triển khai thực hiện. Ngoài ra, chi phí đền bù giải tỏa tăng rất nhiều so với ước tính ban đầu (87,5 tỷ đồng), vào khoảng 1.832 tỷ đồng. Theo UBND TP. Đà Nẵng, Dự án thiếu nguồn vốn chi trả đền bù nên ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công. Vì vậy, công trình không thể hoàn thành trong năm 2022.

Vì vướng mắc ở dự án này, TP. Đà Nẵng đã đề xuất giảm vốn ODA vay lại (nguồn bội chi ngân sách địa phương) năm 2022 của Thành phố từ 547,5 tỷ đồng xuống còn 248,345 tỷ đồng, giảm 299,155 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Hiệp định vay vốn ODA từ Quỹ OPEC cho Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông TP. Đà Nẵng được ký kết ngày 28/8/2019, kết thúc vào ngày 31/12/2022. Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với cán bộ theo dõi Dự án thuộc Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng, bên mời thầu và là đơn vị được UBND TP. Đà Nẵng giao quản lý Dự án để tìm hiểu về tiến độ hiện tại của Gói thầu, cũng như phương án xử lý đối với phần công việc còn lại khi không thể hoàn thành theo kế hoạch trong năm 2022. Tuy nhiên, cán bộ của Ban cho biết sẽ báo cáo với lãnh đạo trước khi thông tin cho Báo Đấu thầu.

Theo Báo cáo Kết quả giám sát chuyên đề “Tình hình hoạt động của các Ban Quản lý dự án trực thuộc UBND Thành phố và việc triển khai các dự án động lực, trọng điểm” của Đoàn Giám sát HĐND TP. Đà Nẵng, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố có 76 dự án mang tính động lực, trọng điểm cần tập trung triển khai. Tuy nhiên, đến nay mới có 7 dự án và 1 dự án thành phần hoàn thành. Việc kéo dài thời gian thi công làm tăng kinh phí, không phát huy hiệu quả đầu tư.

Đoàn Giám sát của HĐND TP. Đà Nẵng đã chỉ ra một trong những hạn chế là công tác phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xác định khái toán kinh phí đền bù, tái định cư bước lập chủ trương đầu tư dự án còn sơ sài, chưa chặt chẽ, chưa sử dụng các cơ sở dữ liệu về đất đai, dân cư, đo đạc… Ban quản lý dự án chỉ mới phối hợp bằng văn bản hành chính đến quận huyện, chưa thực hiện kiểm tra hiện trường và tham chiếu các dữ liệu có liên quan dẫn đến khái toán kinh phí đền bù thiếu chính xác, không sát với thực tế, phát sinh tăng nhiều lần trong quá trình thực hiện dự án. Trong số các dự án được điểm danh, tuyến đường Vành đai phía Tây 2 có mức tăng chi phí giải phóng mặt bằng lớn nhất.

Chuyên đề